menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Sàng lọc dị tật tim bẩm sinh bằng máy đo độ bão hòa oxygen

user

Ngày:

14/05/2018

user

Lượt xem:

1463

Bài viết thứ 05/05 thuộc chủ đề “Sàng lọc sơ sinh”

Tại sao cần phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh?

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật bẩm sinh phổ biến nhất. Trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh do bất thường trong cấu trúc của tim sẽ làm cho tuần hoàn máu trong cơ thể không hoạt động bình thường. Trung bình trong số 1000 trẻ sinh ra sẽ có khoảng 8 trẻ mắc một trong số các dạng bệnh tim bẩm sinh. Một số dạng bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng rất ít hoặc không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Tuy nhiên một số bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và làm tăng nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời sau khi sinh. Nếu không phát hiện được bệnh tim bẩm sinh trong thời gian trẻ còn lưu lại phòng sơ sinh trước khi về nhà có thể dẫn đến các tình huống nghiêm trọng như sốc tim hoặc tử vong, những trẻ sống được sẽ có nguy cơ bị tổn thương thần kinh rất cao và tiếp sau đó là tình trạng chậm phát triển.

Tim của trẻ sơ sinh

Tim của trẻ sơ sinh (Nguồn ảnh: m.ufhealth.org)

Đo độ bão hòa oxygen là gì?

Đo độ bão hòa oxygen là một xét nghiệm đơn giản, không xâm lấn và không đau, được sử dụng để đo độ bão hòa oxy của hemoglobin trong máu động mạch và đánh giá nhịp tim. Máy đo độ bão hòa oxygen (POX: pulsy oximeter) được phát minh vào những năm 1970, được sử dụng rộng rãi trong việc theo dõi bệnh nhân trên lâm sàng để đánh giá các dấu hiệu có tính sống còn của bệnh nhân.

Tại sao máy đo độ bão hòa oxygen (POX) lại được sử dụng trong sàng lọc bệnh tim bẩm sinh?

Máy POX được sử dụng để xác định trẻ sơ sinh mắc các loại bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng do ở những trẻ này có nồng độ oxygen trong máu động mạch giảm, do đó bằng cách đo độ bão hòa oxygen máy POX cho phép phát hiện sớm các trường hợp bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh trước khi tình trạng của trẻ xấu đi.

Máy đo độ bảo hòa Oxygen - Sàng lọc bệnh tim bẩm sinh

Máy đo độ bảo hòa Oxygen – Sàng lọc bệnh tim bẩm sinh (Nguồn ảnh: jsonline.com)

Sàng lọc bệnh tim bẩm sinh được dành cho những đối tượng nào?

Sàng lọc bệnh tim bẩm sinh được thực hiện cho tất cả các trẻ sơ sinh có biểu hiện bình thường được sinh vào lúc ≥ 35 tuần thai, trước khi trẻ rời phòng sơ sinh về nhà.

Loại trừ : Các trẻ sơ sinh được sinh dưới 35 tuần thai hoặc đã được chẩn đoán trước sinh mắc các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng.

Việc sàng lọc bệnh tim bẩm sinh được tiến hành khi nào và ở đâu?

Sàng lọc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng được thực hiện bằng máy POX tại phòng sơ sinh hoặc đơn vị sàng lọc sơ sinh của bệnh viện sau khi trẻ sinh được 24 giờ, trước khi rời phòng sơ sinh về nhà. Nếu sàng lọc sớm hơn sẽ làm tăng tỷ lệ dương tính sai do đây là thời gian xảy ra việc chuyển đổi từ hệ tuần hoàn của thai sang hệ tuần hoàn của trẻ để thích ứng với đời sống ngoài tử cung và ổn định hệ thống bão hòa oxygen. Việc sàng lọc cần được hoàn tất vào ngày thứ hai sau sinh, sàng lọc muộn hơn có thể làm mất cơ hội can thiệp cho một số bệnh lý của tim.

Nếu trẻ sinh non, việc sàng lọc sẽ được thực hiện khi điều kiện sức khỏe của trẻ cho phép. Nếu trẻ xuất viện trước 24 giờ, việc sàng lọc nên được dời lại sau.

Các bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng có thể được phát hiện qua sàng lọc?

Việc sàng lọc có thể giúp phát hiện 7 loại bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng được liệt kê dưới đây:

  • Hội chứng giảm sản tim trái (HLHS: Hypoplastic left heart syndrome).
  • Tật trít hẹp động mạch phổi (Pulmonary atresia).
  • Tứ chứng Fallot (TOF: Tetralogy of Fallot).
  • Tật trở về bất thường hoàn toàn của tĩnh mạch phổi (TAPVR: Total anomalous pulmonary venous return).
  • Tật chuyển vị các động mạch lớn (TGA: Transposition of the great arteries).
  • Tật hẹp van 3 lá (Tricuspid atresia).
  • Tật thân động mạch chung (Truncus arteriosus)

Ngoài ra đo độ bão hòa oxygen còn cho phép phát hiện tình trạng giảm oxy máu (hypoxia), tình trạng này có thể đi kèm cùng với các bệnh lý của tim bao gồm cả trường hợp tăng áp thường xuyên động mạch phổi (persistent pulmonary hypertension).

Phương pháp đo độ bão hòa oxygen?

Sử dụng máy đo độ bão hòa oxygen với bộ cảm biến (sensor) hay còn gọi là đầu dò tương thích với máy. Bộ cảm biến này có thể sử dụng một lần hay tái sử dụng tùy loại, và gồm loại dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non.

Vị trí đo độ bão hòa oxygen?

Vị trí đo là bàn tay và bàn chân phải của trẻ, việc đo được tiến hành song song hoặc tuần tự (điều này sẽ không dẫn đến sự sai khác trong kết quả đo).

Vị trí đo độ bão hòa Oxygen

Vị trí đo độ báo hòa Oxygen (Nguồn ảnh: chaodontuonglai.vn)

Cách đặt đầu dò để đo độ bão hòa oxygen?

1. Lựa chọn vùng đặt đầu dò trên vùng thịt, phía ngoài của bàn tay hoặc bàn chân phải của trẻ.

2. Đặt phần cảm quang của đầu dò trên phần thịt phía ngoài bàn tay hoặc bàn chân phải của trẻ.

3. Đặt phần đèn LED của đầu dò lên phía trên của bàn tay hoặc chân phải. Lưu ý đặt đầu cảm quang phía đối diện với phần đèn LED ở lòng bàn chân hoặc bàn tay.

4. Đảm bảo đầu dò được gắn trên bàn tay và chân của trẻ bằng các loại băng dán do nhà sản xuất máy cung cấp. Không nên dùng băng dính để dán đầu dò lên vùng da trẻ.

Đánh giá kết quả sàng lọc khi đo độ bão hòa oxygen

Kết quả “ ĐẠT ” nếu kết quả đo độ bão hòa oxygen trên cả tay và chân đều ≥ 95% có sự khác biệt giữa kết quả đo giữa bàn chân và bàn tay ≤ 3%.

Kết quả “ KHÔNG ĐẠT ” nếu kết quả đo xảy ra một trong những trường hợp dưới đây:

  • Độ bão hòa oxygen < 90%.
  • Độ bão hòa oxygen < 95% ở cả bàn tay và bàn chân trong 3 lần đo liên tiếp, mỗi lần cách nhau một giờ HOẶC
  • Có sự khác biệt độ bão hòa oxygen trong kết quả đo giữa bàn chân và bàn tay > 3%.

Chú ý: Bất kỳ trẻ nào có kết quả đo độ bão hòa oxygen < 90% cần phải được chuyển đi làm siêu âm tim và hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa nhi tim mạch ngay. KHÔNG nên đo lại độ bão hòa oxygen ở những trẻ này.

Đo độ bảo hòa Oxygen - Sàng lọc dị tật tim bẩm sinh ở trẻ

Đo độ bảo hòa Oxygen ở bàn chân trẻ sơ sinh (Nguồn ảnh: jacobsspecialheart.blogspot.com)

Cám ơn bác sĩ BS.Lê Thanh Nhã Uyên đã chia sẻ bài viết này.

Tài liệu tham khảo

http://chaodontuonglai.vn/modules.php?name=Tailieu&op=Tailieu_View&tlid=51

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích