menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh thủy đậu

user

Ngày:

19/02/2019

user

Lượt xem:

2144

Bài viết thứ 01/02 thuộc chủ đề “Các bài viết của BS. Nam Anh”

Bệnh thủy đậu là gì?

Bệnh thủy đậu (miền Bắc còn gọi là phỏng rạ, miền Nam gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella – Zoster gây ra, đặc trưng bởi sốt và nổi mụn nước ở trên da.

Lứa tuổi nào có thể mắc bệnh thủy đậu?

Thủy đậu là bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, tuy nhiên phần lớn gặp ở trẻ em từ 1 – 10 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng tuổi ít mắc vì đã có miễn dịch tạm thời từ mẹ truyền sang. Phụ nữ trong độ tuổi mang thai mắc bệnh thủy đậu thường có nhiều biến chứng và có thể gây dị tật cho thai nhi.

Thủy đậu lây như thế nào?

Virus gây bệnh thủy đậu có trong đường hô hấp của người đang mắc bệnh; thường một ngày trước khi mọc các nốt ban cho đến 5 ngày sau khi mọc. Lây nhiễm thủy đậu chủ yếu từ nước bọt người bệnh bắn ra, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương trên da. Ngoài ra có thể do tiếp xúc với quần áo, đồ chơi, dụng cụ… đã bị nhiễm virus từ người bệnh.

Tại các nhà trẻ, trường học, nếu có trẻ mắc bệnh thủy đậu nhưng không được phát hiện sớm và cách ly thì nguy cơ lây lan là rất cao

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu

Từ khi nhiễm virus cho đến khi phát bệnh khoảng 14 – 21 ngày. Lúc đầu người bệnh thường sốt nhẹ nhưng cũng có thể không sốt, mệt mỏi kèm nổi những ban đỏ trên da. Bệnh nhân có thể đau bụng, chán ăn, ho hoặc tiêu chảy nhẹ.

Sau 1 – 2 ngày, các ban đỏ ban đầu sẽ tiến triển thành mụn nước có chứa dịch trong, sau một thời gian ngắn thì hóa đục, rồi dần dần khô và lõm xuống, đóng vảy; cuối cùng, các vảy bong ra nhưng không để lại vết sẹo. Hầu hết các mụn nước có kích thước nhỏ với đường kính 5mm, dạng hình tròn hoặc hình bầu dục, hơi gồ trên mặt da, xuất hiện đầu tiên ở mặt và thân, sau đó ra khắp cơ thể.

Các mụn nước trên da mọc nhiều đợt khác nhau trên cùng một vùng da (khoảng 2 – 3 đợt trong vòng 5 ngày rồi chấm dứt), do đó trên cùng một vùng da có thể thấy các tổn thương ở nhiều giai đoạn khác nhau với kích thước khác nhau: ban đỏ, mụn nước trong, mụn nước hóa đục, mụn nước khô và đóng vảy. Ngoài ra, trong quá trình nổi mụn nước thường kèm theo ngứa nhiều làm người bệnh bứt rứt không yên.

Ngoài da, mụn nước của thủy đậu còn có thể mọc ở những vị trí nào khác?

Các mụn nước trong bệnh thủy đậu có thể xuất hiện trên niêm mạc (hầu họng, kết mạc, khí quản, âm đạo và hậu môn); tại đây các mụn nước nhanh chóng vỡ và hình thành vết loét nông, gây đau rát, hạn chế ăn uống, nuốt đau và tiểu rát. Ngoài ra, mụn nước còn có thể nổi bên trong mí mắt hoặc trên kết mạc củng mạc gây sưng phù mí mắt và viêm kết mạc củng mạc, nhưng hầu hết hồi phục hoàn toàn và không có biến chứng.

Dấu hiệu nặng ở người bệnh thủy đậu

Một số dấu hiệu sau gợi ý bệnh nặng:

  • Có triệu chứng hô hấp
  • Các mụn nước trên da dày đặc
  • Có xuất huyết trong mụn nước
  • Có xuất huyết niêm mạc (chảy máu răng, nôn ra máu, ho ra máu…)
  • Có tổn thương hệ thần kinh
  • Sốt và phát ban mới vẫn xảy ra sau ngày thứ 6 của bệnh

Thủy đậu có thể gây biến chứng gì?

Thủy đậu có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm

  • Viêm não
  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng da
  • Một số biến chứng ít gặp khác như viêm gan, viêm màng ngoài tim, viêm thận, viêm khớp…

Thủy đậu ở phụ nữ mang thai?

Thủy đậu xảy ra ở phụ nữ mang thai có ảnh hưởng đến cả mẹ và thai. Phụ nữ mang thai bị thủy đậu có nguy cơ bị biến chứng viêm phổi nặng cao hơn người bình thường. Thủy đậu cũng làm gia tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non. Đặc biệt, một ảnh hưởng quan trọng nếu mẹ mắc bệnh thủy đậu trong thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ bị thủy đậu bẩm sinh với rất nhiều dị tật

Thủy đậu bẩm sinh?

Thủy đậu bẩm sinh là bệnh lý xảy ra khi mẹ bị thủy đậu trong ba tháng đầu của thai kỳ. Sau 20 tuần thai, mẹ mắc thủy đậu rất hiếm gây thủy đậu bẩm sinh cho con.

Trẻ bị thủy đậu bẩm sinh có các biểu hiện: sẹo da (70%), bất sản chi (68%), bất thường về mắt (66%), chậm phát triển trí tuệ (46%) và nhẹ cân (50%)

Thủy đậu sơ sinh?

Trẻ có mẹ bị thủy đậu trong vòng 5 ngày trước khi sinh và 2 ngày sau khi sinh thì khi sinh ra có nguy cơ bị thủy đậu sơ sinh. Thủy đậu sơ sinh thường biểu hiện nặng và nhiều biến chứng hơn, do trẻ không nhận được kháng thể bảo vệ từ mẹ và hệ thống miễn dịch của trẻ chưa trưởng thành. Những trẻ bị thủy đậu sơ sinh thường có tổn thương cơ quan mà hay gặp nhất là tổn thương phổi.

Chăm sóc người bị thủy đậu

Người bị thủy đậu cần sớm được cách ly để tránh lây lan.

Người bị bệnh cần được nghỉ ngơi, mặc áo quần mỏng, nhẹ, rộng rãi và mát. Cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, luôn giữ da sạch sẽ, khô thoáng; tránh chà xát trên da làm các mụn nước vỡ. Đặc biệt với trẻ em cần phải cắt ngắn móng tay cho trẻ tránh trường hợp khi gãi làm trầy xước da. Thường xuyên thay quần áo, giặt riêng, phơi dưới ánh nắng hoặc ủi kỹ; tiệt trùng các dụng cụ cá nhân…

Người bị thủy đậu không nên kiêng tắm, kiêng gió vì như vậy da sẽ ẩm ướt, bẩn và rất dễ ngứa

Khi ban vỡ, dùng thuốc bôi ngoài da như thuốc tím 1%, milian, xanh methylen…để phòng bội nhiễm vi khuẩn.

Chú ý không được đắp bất kỳ loại lá cây nào và không được tự chọc vỡ các mụn mủ rất dễ gây nhiễm trùng da.

Nếu có biến chứng nhiễm khuẩn hoặc các dấu hiệu bất thường, cần phải đến ngay các cơ sở y tế.

Các vấn đề khác như sử dụng thuốc kháng virus, hạ sốt, giảm ngứa… được trình bày ở phần dưới

Uống Acyclovir khi nào và như thế nào?

Acyclovir là một thuốc kháng virus thường được sử dụng ở người bị bệnh thủy đậu để ức chế sự sinh sôi nảy nở của virus; nhờ đó hạn chế sự lan rộng và rút ngắn thời gian của bệnh. Acyclovir có hiệu quả cao nếu dùng càng sớm, thuốc có hiệu quả nhất khi sử dụng trong vòng 24h trước khi nổi mụn nước. Thuốc dùng trung bình trong 5 – 7 ngày hoặc đến khi không có mụn nước mới xuất hiện

Acyclovir có thể dùng đường uống, đường tiêm hoặc đường tại chỗ (bôi ngoài da); trong đó đường uống thường được lựa chọn.

Liều lượng thuốc đường uống:

  • Trẻ em dưới 12 tuổi: uống 20mg/kg/lần x 5 lần/ngày trong 5 – 7 ngày (tổng liều không quá 800mg/lần)
  • Người lớn và trẻ em >12 tuổi: uống 800mg/lần x 5 lần/ngày mỗi ngày trong 5 – 7 ngày

Thuốc có một số tác dụng phụ hay gặp là rối loạn tiêu hóa và đau nhức đầu

Giảm ngứa trong thủy đậu?

Ngứa là triệu chứng gặp ở hầu hết người bị thủy đậu, đặc biệt ở người nổi nhiều mụn nước. Đối với trẻ em, ngứa rất gây khó chịu cho trẻ, làm trẻ quấy khóc và có thể khiến trẻ gãi rất nhiều. Việc gãi không chỉ dễ làm xây xát da mà còn dễ làm vỡ các mụn nước rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng, đồng thời sẽ để lại sẹo tại những điểm các mụn nước bị vỡ.

Để giảm cảm giác ngứa khi bị bệnh thủy đậu, có thể cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc kháng histamin như Chlopheniramin, Certirizine, Loratadine…, tuy nhiên việc sử dụng các loại thuốc này ở đối tượng trẻ nhỏ cần phải có ý kiến của bác sĩ.

Việc giữ da khô thoáng và tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng cũng có tác dụng giảm ngứa rất tốt. Các thuốc bôi tại chỗ như hồ nước và xanh methylen cũng có hiệu quả giảm ngứa. Xanh methylen hay dung dịch milian là loại thuốc sát khuẩn nhẹ giúp các mụn nước nhanh đóng vảy và bong vảy, giúp mau lành bệnh hơn.

Hạ sốt trong thủy đậu?

Người bị thủy đậu thường có thể sốt nhẹ. Thông thường với tình trạng sốt nhẹ này chỉ cần mặc thoáng và có thể hạ nhiệt bằng các phương pháp vật lý như chườm khăn ấm, lau nước ấm, sử dụng băng dán hạ sốt… Nếu sốt cao, lúc này có thể dùng các thuốc hạ sốt như Acetaminophen, Paracetamol….Cần lưu ý là không sử dụng Aspirin để hạ sốt đối với trẻ em

Người bị thủy đậu nên ăn gì?

Trong thời kỳ phát bệnh, cần ăn các thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước. Đặc biệt với những người có mụn nước ở miệng càng nên ăn các thức ăn mềm, nhạt, dễ nuốt và dễ tiêu hóa như cháo, khoai tây nghiền, nước canh, súp…Các thức ăn như đậu xanh, đậu đỏ, rau má…có tính thanh nhiệt, giải độc rất tốt cho trong giai đoạn này.

Ngoài ra, cần cho người bệnh dùng các loại trái cây chứa nhiều vitamin C như: chanh, cam, dâu tây, dưa hấu, cà chua…vì vitamin C có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, đẩy nhanh quá trình sản sinh ra collagen, phòng ngừa sẹo lõm. Có thể sử dụng các loại trái cây này dưới dạng nước ép, vừa bổ sung vitamin C cũng vừa bổ sung một lượng nước cho cơ thể.

Người đang bị thủy đậu cần tránh ăn các thức ăn có tính nóng như thịt gà, thức ăn chiên nướng, thức ăn có gia vị cay…cũng như không sử dụng các chất kích thích như trà hay cà phê. Ngoài ra cũng cần tránh ăn các loại hải sản vì các thức ăn này có chứa nhiều histamine có thể làm gây dị ứng hoặc gây ngứa nhiều hơn.

Có thể bị thủy đậu lần 2 không?

Miễn dịch với thủy đậu khá bền vững, một người đã từng mắc thủy đậu sẽ có miễn dịch với virus  gây bệnh thủy đậu; nếu tái tiếp xúc với virus này thì hầu hết không có biểu hiện triệu chứng. Do đó, rất hiếm trường hợp có biểu hiện thủy đậu lần 2. Hiện nay, mắc thủy đậu lần 2 thường chỉ gặp ở đối tượng suy giảm miễn dịch.

Thủy đậu và Zona có liên quan gì với nhau?

Virus Varicella – Zoster sau khi gây bệnh thủy đậu thì một số sẽ trú ngụ trong cơ thể ở trạng thái ngủ bên trong các dây thần kinh cảm giác. Virus sẽ “thức giấc” sau nhiều năm và sẽ đi dọc theo dây thần kinh cảm giác vào da, tạo ra những mảng phát ban gây đau mà người ta thường gọi là bệnh Zona. Như vậy, bệnh Zona chính là đợt tái hoạt của virus Varicella – Zoster trên cơ thể người từng bị mắc bệnh thủy đậu. Khoảng 1/3 trường hợp thủy đậu sẽ có ít nhất một lần bị bệnh Zona trong suốt cuộc đời. Thông thường, khoảng thời gian từ lúc bị thủy đậu tới lúc bị Zona kéo dài hàng chục năm

Vắc xin thuỷ đậu? Ai nên tiêm vắc xin thuỷ đậu?

Vắc xin thuỷ đậu là vắc xin sống giảm độc lực, được đóng gói dưới dạng đông khô với dung môi kèm theo. Hiện nay tại nước ta đang lưu hành một số loại vắc xin thủy đậu như Varivax (Mỹ), Varilrix (Bỉ) hay Okavax (Nhật)…

Trẻ em từ 12 tháng trở lên cần được tiêm vắc xin thuỷ đậu. Vắc xin cũng có thể sử dụng cho người ở bất cứ tuổi nào nếu chưa bị bệnh thuỷ đậu hoặc chưa tiêm chủng.

Người đang sốt hoặc bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai là không nên tiêm chủng vắc xin thủy đậu

Vắc xin thuỷ đậu tiêm dưới da 1 liều duy nhất 0,5ml cho trẻ từ 12 tháng đến 12 tuổi. Trẻ từ 13 tuổi trở lên tiêm 2 liều, cách nhau từ 6 – 10 tuần.

Vắc xin thuỷ đậu có thể tiêm đồng thời với vắc xin Sởi – Quai bị – Rubella, nếu không tiêm đồng thời thì cần giữ khoảng cách giữa chúng là 1 tháng.

Các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin?

Vắc xin phòng ngừa bệnh thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả. Tác dụng phụ thường gặp là đỏ da tại chỗ và phát ban, các biểu hiện này thường nhẹ và thoáng qua. Một số ít trẻ có thể có ban sẩn hay mụn nước trong vòng 3 tuần đầu sau khi tiêm. Ngoài ra, khoảng 5% trẻ có thể sốt trên 37,5 độ C sau tiêm

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích