menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Amiodaron – Thuốc chống loạn nhịp tim

user

Ngày:

22/12/2013

user

Lượt xem:

2575

Bài viết thứ 00/08 thuộc chủ đề “Thuốc chống loạn nhịp tim”

Tên chung quốc tế Amiodaron

Amiodarone.

Dạng thuốc và hàm lượng Amiodaron

Viên nén 200 mg. ống tiêm 150 mg/3 ml.

amiodaron-thuoc-chong-loan-nhip-tim

Hình Amiodaron

Chỉ định Amiodaron

Dự phòng và điều trị loạn nhịp thất (cơn nhanh thất tái phát hoặc rung thất tái phát); dự phòng và điều trị loạn nhịp trên thất tái phát (rung nhĩ, cuồng động nhĩ) kháng lại điều trị thông thường, đặc biệt khi có kết hợp hội chứng W.P.W.

Chống chỉ định Amiodaron

Sốc tim, suy nút xoang nặng dẫn đến nhịp chậm xoang và blốc xoang nhĩ, blốc nhĩ thất độ II và III, blốc nhánh, chậm nhịp từng cơn gây ngất, bệnh tuyến giáp, hạ huyết áp động mạch, mẫn cảm với các thành phần của thuốc, thời kỳ mang thai và cho con bú.

Thận trọng Amiodaron

Suy tim sung huyết; suy gan; hạ kali huyết, rối loạn chức năng tuyến giáp, giảm thị lực hoặc người bệnh phải chịu can thiệp phẫu thuật. Thận trọng khi dùng kết hợp với các chất chẹn beta hoặc các thuốc chẹn kênh calci vì nguy cơ nhịp chậm và blốc nhĩ thất. Thời kỳ mang thai và cho con bú (Phụ lục 2 và 3).

Tương tác thuốc Amiodaron

(Phụ lục 1).

Liều lượng và cách dùng Amiodaron

Cách dùng: Người bệnh phải nằm viện khi bắt đầu điều trị, hoặc phải được thầy thuốc chuyên khoa giám sát chặt chẽ; nhất là khi dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, phải có đầy đủ phương tiện cấp cứu sẵn sàng. Thuốc uống, nên uống trong bữa ăn. Cần tránh ra nắng.

Loạn nhịp thất :

Thuốc uống: Giai đoạn tấn công dùng liều cao: 200 mg, 3 lần mỗi ngày trong tuần đầu; mỗi lần 200 mg/lần, 2 lần mỗi ngày trong tuần thứ hai. Sau 2 tuần đó giảm liều xuống 200 mg/ngày hoặc thấp hơn. Thường xuyên đánh giá các tác dụng phụ như thở ngắn hơi, mệt mỏi, khó tiêu, rối loạn thị giác, ít nhất mỗi tháng một lần hoặc ngắn hơn nếu liều cao hơn 200 mg/ngày.

Thuốc tiêm tĩnh mạch: Chỉ dùng khi có cơ sở hồi sức cấp cứu để theo dõi và điều trị bệnh. Liều tiêm truyền là 5 mg/kg, pha loãng với 250 ml glu- cose 5%, truyền tĩnh mạch chậm từ 20 phút đến 2 giờ. Có thể dùng nhắc lại liều này. Liều có thể lên tới 1200 mg (khoảng 15 mg/kg) trong 24 giờ pha vào 500 ml dung dịch glucose 5%. Tốc độ truyền phụ thuộc vào đáp ứng lâm sàng.

Loạn nhịp trên thất : Thuốc uống: liều tấn công là 600 – 800 mg/ ngày, dùng trong 1 – 4 tuần, cho đến khi kiểm soát được bệnh hoặc khi xuất hiện tác dụng có hại quá mức. Sau đó giảm đến liều thấp nhất có tác dụng, thường là 100 – 400 mg/ngày.

Liều trẻ em: Điều trị loạn nhịp thất và trên thất, liều tấn công là 10 – 15 mg/kg/ngày trong khoảng 4 – 14 ngày và/hoặc cho tới khi kiểm soát được loạn nhịp. Sau đó giảm liều xuống còn 5 mg/kg/ngày trong vài tuần. Liều trong tổn thương thận và gan: Tổn thương thận không cần giảm liều nhưng có nguy cơ tích iod. Tổn thương gan phải giảm liều hoặc ngừng uống thuốc nếu có dấu hiệu độc cho gan trong khi điều trị.

Tác dụng không mong muốn Amiodaron

Xơ phổi, rối loạn thần kinh (run, tê ngón tay, mất điều hòa…), loạn nhịp nặng (blốc nhĩ thất, nhịp chậm), xơ hóa tuyến giáp, tổn thương gan, rối loạn thị giác, mẫn cảm ánh nắng gây ban đỏ, các phản ứng quá mẫn.

Xử trí ADR: Cần theo dõi chặt chẽ lâm sàng. Hạ huyết áp có thể xảy ra khi tiêm tĩnh mạch, xử trí bằng giảm tốc độ truyền. Phải điều trị hạ kali- máu và suy tim trước khi dùng amiodaron.

Các phản ứng có hại về hệ thần kinh và tiêu hóa xảy ra khi mới dùng thuốc và mất đi trong vòng 1 – 2 tháng điều trị. Viêm dây thần kinh ngoại biên và bệnh về cơ ít gặp nhưng nặng, có thể không hồi phục. Cả suy giáp và cường giáp có thể xảy ra khi điều trị, vì vậy cần phải đánh giá chức năng giáp trong và sau khi điều trị. Suy giáp: Giảm liều từ từ và điều trị thận trọng bằng L-thyroxin. Chức năng giáp sẽ hồi phục trong vòng 3 tháng sau khi ngừng amiodaron. Các thuốc kháng giáp đôi khi không tác dụng, có thể dùng prednisolon 1 mg/kg trong vài tuần.

Tránh ra nắng, bôi kem chống nắng.

Cần kiểm tra thường xuyên chức năng gan. Nếu nghi ngờ có nhiễm độc gan, phải ngừng thuốc ngay.

Vi lắng đọng giác mạc không triệu chứng gặp ở hầu hết người bệnh. Vi lắng đọng giác mạc và rối loạn thị giác có thể phục hồi sau khi giảm liều hoặc ngừng thuốc.

Viêm phế nang lan tỏa và xơ phổi thường gặp và có thể gây tử vong. Cần ngừng thuốc ngay và có thể dùng corticosteroid.

Quá liều và xử trí Amiodaron

Triệu chứng: Hạ huyết áp, nhịp xoang chậm và/hoặc blốc tim và kéo dài QT.

Xử trí: Gây nôn, rửa dạ dày rồi cho uống than hoạt nếu đến sớm. Chậm nhịp và blốc nhĩ – thất: Atropin, hoặc isoprenalin và máy tạo nhịp.

Hạ huyết áp: Dopamin truyền tĩnh mạch hoặc norepinephrin.

Độ ổn định và bảo quản Amiodaron

Viên nén: Để trong bao gói kín ở nhiệt độ phòng 20 – 25 o C, tránh ánh sáng, để nơi khô ráo.

Thuốc tiêm: Nhiệt độ phòng 20 – 25 o C, tránh ánh sáng.

Khi truyền bằng bộ dây truyền polyvinyl clorid, nồng độ amiodaron giảm xuống còn 82% sau 15 phút. Nồng đồ thuốc không bị giảm khi bảo quản trong chai thủy tinh hoặc chai nhựa cứng polyvinyl clorid.

http://nidqc.org.vn/duocthu/451/

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích