menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

5 câu hỏi thường gặp về mãn kinh

user

Ngày:

13/12/2023

user

Lượt xem:

154

Bài viết thứ 04/06 thuộc chủ đề “Sức khỏe phụ nữ”

Biên dịch: Bùi Thị Hương Ly

Hiệu đính: BS. Phạm Công Hoài

Phụ nữ thường bước vào thời kỳ mãn kinh với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Họ có thể lo lắng về việc già đi hoặc bất an về những gì họ đang trải qua, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chắc chắn rằng, thời kỳ mãn kinh không giống bất cứ những gì bạn từng cảm thấy trước đây. Và giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh có thể kéo dài vài năm.

Có nên sử dụng liệu pháp thay thế (liệu pháp hormone)?

Một số bệnh nhân thì có xu hướng sử dụng liệu pháp hormone để giảm triệu chứng bốc hỏa. Một số khác thì cảnh giác với liệu pháp này bởi những thông tin họ đọc được trên mạng.

Phải thừa nhận rằng, có rất nhiều thông tin đáng sợ về liệu pháp hormone về nguy cơ đau tim, ung thư vú, v.v. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2002 chỉ ra rằng: “Những nguy cơ đó đã được hạn chế”. Vì vậy, liệu pháp hormone nói chung là một lựa chọn an toàn. Đặc biệt đối với phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi dưới 50 tuổi.

Tuy nhiên, bạn nên thử các liệu pháp khác trước khi sử dụng liệu pháp hormone, đặc biệt là đối với các cơn bốc hỏa. Bao gồm:

  • Mặc quần áo nhiều lớp, mang theo quạt cầm tay và sử dụng đồ uống lạnh.
  • Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có thể kích hoạt các cơn bốc hỏa như rượu và cafein.
  • Ngừng hút thuốc.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân.
  • Thiền cũng là phương pháp hiệu quả giúp bạn giảm cơn bốc hỏa.

Khi các biện pháp trên không hiệu quả, bạn có thể xem xét sử dụng liệu pháp hormone. Một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa.

Thời kỳ mãn kinh sẽ ảnh hưởng đến ham muốn tình dục như thế nào?

Đây là chủ đề khá nhạy cảm. Vì vậy, bạn thường ngại ngùng đề cập đến.

Sự dao động của hormone trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến khô âm đạo. Từ đó gây đau khi quan hệ tình dục. Vì thế, phụ nữ có thể thấy rằng họ không muốn quan hệ tình dục nữa vì sợ cảm giác này.

Chất dưỡng ẩm và bôi trơn âm đạo có thể làm dịu các cơn đau. Nếu những cách đó không hiệu quả, hãy nói chuyện với bác sĩ phụ khoa về thuốc bôi hoặc thuốc uống.

Có nên sử dụng các chất bổ sung nguồn gốc tự nhiên để điều trị các triệu chứng không?

Chắc hẳn, bạn đã từng nghe qua các quảng cáo về sản phẩm làm dịu cơn bốc hỏa, phương thuốc tự nhiên giúp cải thiện giấc ngủ của bạn trong thời kỳ mãn kinh hay một số loại thuốc nguồn gốc từ thực vật và có chức năng giống với hormone trong cơ thể bạn. 

Thực tế là, rất ít thực vật và thảo dược bổ sung đã được nghiên cứu về tính an toàn hoặc hiệu quả. Những loại thuốc này thì không được quản lý tốt. Một số có thể chứa hàm lượng estrogen, progesterone hoặc thậm chí testosterone gây nguy hiểm. Các chất bổ sung không kê đơn cũng có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng hoặc các bệnh lý khác mà bạn mắc phải.

Vì những lý do này, hãy nói chuyện với bác sĩ sản phụ khoa trước khi dùng bất cứ chất bổ sung nào để điều trị các triệu chứng mãn kinh của bạn.

Mãn kinh đã nhiều năm có thực sự cần khám phụ khoa hằng năm không?

Dù bạn ở độ tuổi nào thì bạn vẫn nên khám phụ khoa hằng năm. Bạn có thể không cần kiểm soát sinh sản hoặc chăm sóc tiền sản nữa. Nhưng bác sĩ phụ khoa sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bạn. Từ sàng lọc ung thư và STIs (bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục) đến thảo luận về những lo lắng về tình dục và tiểu không tự chủ. Khám sức khỏe hàng năm của bạn có thể bao gồm tất cả các khía cạnh về sức khỏe sinh sản và tình dục của bạn.

Có còn cần xét nghiệm Pap smear và chụp nhũ ảnh sau khi mãn kinh không?

Khuyến cáo là bạn nên tiếp tục làm xét nghiệm Pap smear cho đến khi 65 tuổi, trừ khi bạn có yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung, chẳng hạn như HIV. Ngay cả những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung vẫn có thể cần sàng lọc.

Với phương pháp chụp nhũ ảnh, hầu hết phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú thấp, có thể dừng xét nghiệm ở tuổi 75. Trong tất cả các trường hợp, bạn và bác sĩ phụ khoa của bạn nên chia sẻ về thông tin, mong muốn của bạn và thống nhất thời gian và tần suất khám sàng lọc.

Chắc hẳn, có rất nhiều điều bạn muốn biết về thời kì mãn kinh của mình. Đừng ngần ngại, hãy chia sẻ với bác sĩ sản phụ khoa của bạn. Bạn cũng có thể chia sẻ ngay với mọi người xung quanh bạn. Chẳng hạn như mẹ, chị em hay bạn bè – những người đang trong thời kì mãn kinh này nếu có bất kì thắc mắc gì. 

Hãy yên tâm: Thời kỳ mãn kinh chỉ là một giai đoạn khác của cuộc đời, tự nhiên như bất kỳ giai đoạn nào khác. Hãy chia sẻ với mọi người để có thể nhận được sự giúp đỡ khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo

https://www.acog.org/womens-health/experts-and-stories/the-latest/5-of-the-most-common-questions-about-menopause

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích