menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Viêm dạ dày và nỗi ám ảnh của vi trùng HP

user

Ngày:

22/08/2018

user

Lượt xem:

415

Bài viết thứ 90/183 thuộc chủ đề “Các bài viết của Bác sĩ Trần Công”

Trong những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ và triển khai rộng rãi của các kĩ thuật xét nghiệm tìm vi trùng HP trong dạ dày, rất nhiều trường hợp được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên hiểu biết của phụ huynh còn chưa đầy đủ, cộng thêm tính làm “nặng nề thêm” của 1 số thầy thuốc, mà vi trùng HP đã trở thành nỗi ám ánh của nhiều bậc phụ huynh. Vậy HP có thực sự nguy hiểm, khi nào thì cần xét nghiệm tìm HP, khi nào thì cần điều trị, và đau bụng trẻ em có nhất thiết cần tìm cho ra HP hay không?

Sơ lược về vi trùng HP

HP (Helicobacter Pylory): là 1 xoắn khuẩn gram âm, cư trú trong dạ dày người. 15% số người bị nhiễm HP có thể trở thành viêm loét dạ dày, tá tràng, và chỉ 1 % chuyển sang ung thư dạ dày. Nhưng nên nhớ có tới 50% dân số thế giới bị nhiễm vi trùng này, 85% trong số họ vẫn khỏe mạnh hoàn toàn mà không bị viêm.

Bố mẹ bị nhiễm HP, vậy con có bị lây không?

Vì HP lây nhiễm theo đường miệng-miệng, nên các thành viên trong gia đình ăn chung mâm, thói quen dùng chung chén đũa, bón mớm cho trẻ làm tăng khả năng bị nhiễm HP.

Có nhiều trẻ con bị nhiễm vi trùng này không?

Ở các nước phát triển có 10% trẻ em bị nhiễm HP, ở các nước đang phát triển như nước ta có 80% trẻ bị. Vì vậy nếu bạn đem con đi xét nghiệm thì xác suất con bạn dương tính với HP là rất cao.

Con tôi hay bị đau bụng từ lâu, vậy có cần đi xét nghiệm tìm vi trùng HP không?

Thực tế đau bụng mạn tính ở trẻ con rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau, hầu hết là lành tính. Ví dụ: đau bụng do giun, do tâm lí, do biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày… Bạn cần đưa bé đi khám để bác sĩ xác định xem bé đau bụng vì nhóm nguyên nhân nào trước khi có quyết định cho bé xét nghiệm tìm HP hay không.
Vậy khi nào mới cần cho bé xét nghiệm tìm vi trùng?

Bác sĩ sẽ cho bé xét nghiệm khi:

  • Trẻ có loét đường tiêu hóa phát hiện qua nội soi hay chụp XQ cản quang;
  • Trẻ có bố mẹ bị ung thư dạ dày;
  • Trẻ có thiếu máu thiếu sắt kháng trị, đã loại trừ các nguyên nhân khác;
  • Trẻ đau bụng mạn tính gợi ý do viêm loét dạ dày, tá tràng:
    • Cơn đau kéo dài (trẻ ôm bụng khóc, tái nhợt, nằm im);
    • Đau liên quan tới bữa ăn (trước, sau ăn), kèm theo hay ợ, ói;
    • Rối loạn tiêu hóa kéo dài hay đau rõ vùng thượng vị;
    • Hơi thở hôi mà không do nguyên nhân bệnh răng hàm mặt – tai mũi họng…

Có các phương pháp nào để tìm vi trùng HP?

  • Phương pháp xâm lấn (qua nội soi dạ dày): sinh thiết làm mô bệnh học, test urease, nuôi cấy, PCR.
  • Các phương pháp không xâm lấn:
    • Test hơi thở (phương pháp này chỉ làm được ở trẻ lớn đã biết nuốt nguyên viên thuốc);
    • Tìm kháng nguyên HP trong phân;
    • Tìm kháng thể trong nước tiểu và nước bọt;
    • Tìm kháng thể trong huyết thanh (xét nghiệm máu).

Mỗi phương pháp có độ đặc hiệu, độ nhạy khác nhau. Xét nghiệm máu chỉ dùng để nghiên cứu chứ không dùng để xác định tình trạng hiện tại và điều trị. Xét nghiệm phân và hơi thở nhằm xác định có hay không nhiễm HP ở thời điểm hiện tại, và theo dõi kết quả điều trị diệt HP
Sinh thiết dạ dày và các test hơi thở, phân… chỉ thực hiện khi ngừng tất cả các thuốc liên quan tới dạ dày (các thuốc giảm tiết acid ít nhất 2 tuần, các kháng sinh ít nhất 4 tuần) nếu không sẽ cho kết quả không chính xác (âm tính giả- tức là trẻ bị nhiễm HP nhưng xét nghiệm lại âm tính).

Khi nào xác định chắc chắn bị nhiễm vi trùng HP trong dạ dày?

  • Nuôi cấy dương tính hoặc;
  • Giải phẫu bệnh (+) và 1 trong 3 phương pháp urease, phân, hơi thở dương tính.

Khi đã xác định chắc chắn có vi trùng HP, vậy khi nào thì quyết định điều trị?

Điều trị khi

  • Tất cả các trường hợp loét đạ dày, hành tá tràng (xác định qua nội soi) mà có HP (+);
  • Trẻ trước đây có loét dạ dày-hành tá tràng, hiện nay không loét không đau nhưng có vi trùng HP (+) vẫn điều trị;
  • Viêm teo dạ dày kèm theo chuyển sản ruột;
  • Trẻ có tổn thương viêm trên nội soi, HP (+) và:
    • Có ba/ mẹ bị loét, ung thư dạ dày;
    • Không có tiền căn gia đình: cân nhắc điều trị.

Trẻ có dấu hiệu lâm sàng gợi ý viêm loét dạ dày, tá tràng, làm các test không xâm lấn (phân, hơi thở) dù có dương tính nhưng cần phải tiến hành nội soi chẩn đoán trước khi quyết định điều trị, trên thực tế điều này khó vì không phải trẻ nào cũng soi được.

Lộ trình điều trị sẽ như thế nào?

Khi đã quyết định điều trị viêm dạ dày, HP (+). Con bạn sẽ phải uống rất nhiều thuốc trong thời gian dài. Thường là 2-3 tháng. Trong đó 2 tuần đầu sẽ phải dùng tới 2 loại kháng sinh, có nhiều phác đồ điều trị khác nhau tùy theo vùng và khả năng kháng thuốc của vi khuẩn.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/diendannhikhoa/posts/338640513000142

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích