menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Vấn đề y tế trong việc cho-nhận con nuôi

user

Ngày:

15/04/2015

user

Lượt xem:

327

Bài viết thứ 02/04 thuộc chủ đề “Việc nhận con nuôi”

Trước khi bạn nhận con nuôi

Nhận con nuôi là một trải nghiệm cực kỳ quý giá cho nhiều gia đình. Nếu bạn đang có dự định nhận con nuôi, đây là một vài điều bạn cần biết về sức khỏe và chăm sóc y tế cho con nuôi của bạn trước, trong và sau khi nhận nuôi.

Nếu việc cho-nhận con nuôi của bạng ở dạng “mở” hoặc “mở” một phần – trong đó bạn sẽ gặp người mẹ và thỉnh thoảng là người cha – bạn có thể  biết một số thông tin sức khỏe quan trọng. Đối với loại cho-nhận con nuôi “mở”, bạn có thể giúp thu xếp chăm sóc tiền sản cho người mẹ, cùng với người mẹ đến khám bác sĩ, và có mặt khi người mẹ sinh em bé. Bạn có thể đề nghị trung tâm hoặc luật sư sắp xếp chuyện nhận con nuôi cung cấp các hồ sơ sức khỏe.

Với một đứa trẻ lớn đang sống tại Hoa Kỳ, bạn có thể tìm hiểu sơ bộ tình hình sức khỏe chung của đứa trẻ bằng cách dành thời gian cho bé trước hoặc chăm sóc bé trước khi nhận nuôi.

Trước khi nhận con nuôi, hãy cố gắng tìm hiểu tối đa về những thông tin y tế sau, bao gồm:

  • Tuổi, nguồn gốc sắc tộc, giáo dục, nghề nghiệp, chiều cao, cân nặng và tình trạng sức khỏe của cha mẹ ruột.
  • Bệnh lý hoặc tình trạng y tế trong gia đình của đứa trẻ.
  • Tình trạng sức khỏe của anh chị em ruột
  • Thông tin về việc uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy trong quá trình mang thai của người mẹ ruột
  • Thông tin về việc sử dụng thuốc có kê đơn hoặc không kê đơn trong quá trình mang thai
  • Dấu hiệu của bất kỳ bệnh lây qua đường tình dục nào của người mẹ ruột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đứa trẻ.
  • Chăm sóc tiền sản của người mẹ ruột
  • Kết quả các xét nghiệm trong quá trình mang thai
  • Tất cả những vấn đề trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh con
  • Cân nặng, chiều dài, số đo vòng đầu của đứa bé lúc mới sinh
  • Bất kỳ vấn đề sức khỏe nào của đứa trẻ
  • Kết quả của bất kỳ xét nghiệm nào của đứa trẻ
  • Phát triển tâm thần vận động theo độ tuổi của trẻ, như ngồi dậy, đi hay nói
  • Bản mô tả tính cách và mối quan hệ với người khác của trẻ
  • Thông tin về việc chăm sóc đứa trẻ từ lúc mới sinh
  • Bất kỳ tình trạng bạo hành thể chất, tình dục hoặc tinh thần nào xảy ra với đứa trẻ.

 

Các trung tâm cho-nhận con nuôi

Nếu bạn nhận con nuôi thông qua trung tâm, bạn có thể chọn lứa tuổi của đứa trẻ bạn muốn nhận nuôi và tình trạng sức khỏe của trẻ mà bạn có thể chấp nhận được. Thảo luận những vấn đề này có thể giúp bạn hiểu rõ những cảm xúc và ưu tiên của bạn.

Đối với việc nhận con nuôi quốc tế, có khả năng bạn sẽ nhận được hình của đứa trẻ, nhưng có thể sẽ không có những thông tin đầy đủ và đáng tin cậy về sức khỏe và gia đình đứa trẻ. Nếu được, hãy nghĩ đến việc đến tận nơi để gặp đứa trẻ trước khi bạn quyết định nhận nuôi. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những hạn chế ở các đất nước khác từ  Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Vấn đề y tế trong việc cho-nhận con nuôi

Xử lý thông tin

Sau khi thu thập những thông tin sức khỏe đã có, trung tâm cho-nhận con nuôi của bạn (nếu bạn nhận con nuôi thông qua trung tâm) có thể giúp bạn đánh giá xem, với những vấn đề y tế được ghi nhận, đứa trẻ và những hoàn cảnh này có phù hợp với bạn hay không.

Đồng thời cũng hãy cố gắng tìm một bác sĩ giúp bạn làm rõ tiền sử y khoa của đứa trẻ. Bạn có thể hỏi ý kiến của một bác sĩ đã có kinh nghiệm với những đứa con nuôi có hoàn cảnh giống với đứa trẻ bạn định nhận nuôi. Điều này đặc biệt đúng đối với việc nhận con nuôi quốc tế.  Ví dụ như các bác sĩ Hoa kỳ có thể không quen với các thuật ngữ trong hồ sơ y khoa (y bạ) của người Nga, nhưng một số bác sĩ hoặc chuyên gia có kiến thức sâu hơn về khu vực đó lại có thể biết rõ.

Giúp trẻ hòa nhập

Một khi bạn đã quyết định nhận nuôi hoặc chăm sóc cho đứa trẻ, hãy cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về thời gian biểu hàng ngày của trẻ, khả năng của trẻ, những điều trẻ thích hay không thích. Duy trì thời gian biểu quen thuộc của các bữa ăn sẽ giúp đứa trẻ dễ dàng hòa nhập hơn.

Bạn cũng có thể sắp xếp cho đứa trẻ mang theo một số vật dụng cá nhân. Cảm giác chạm vào và ngửi mùi quen thuộc của món đồ chơi yêu thích hoặc một mảnh vải cũ có thể giúp đứa trẻ quen dần với môi trường mới.

Thu thập các thông tin quan trọng

Khi bạn đến đón đứa con nuôi của mình, có thể đó là cơ hội duy nhất để thu thập các kiểu thông tin sau. Đây là một vài câu hỏi bạn cần nhớ:

  • Những loại thực phẩm nào trẻ thích hay không thích? Khi nào thì trẻ ăn và ăn bao nhiêu? Trẻ có bị dị ứng với cái gì không? Trẻ được cho ăn như thế nào hay trẻ tự ăn như thế nào?
  • Khi nào trẻ ngủ và ngủ trong bao lâu? Trẻ có giờ ngủ cố định không? Có gì có thể giúp trẻ dễ ngủ không?
  • Trẻ có đi vệ sinh vào những giờ nhất định nào không?
  • Trẻ được tắm rửa khi nào và như thế nào?
  • Trẻ thường nghe loại nhạc nào? Trẻ có bài hát yêu thích nào không?
  • Trẻ thường mặc đồ gì? Trẻ thường chơi với cái gì, có đồ chơi hay cái chăn yêu thích nào không?
  • Phương pháp dỗ dành trẻ hiệu quả nhất?
  • Trẻ có thể ngồi, bò hay đứng không? Còn nói, đặt câu, nhận ra màu sắc, chữ cái hay chữ số thì sao? Nếu trẻ đang đi học, trẻ học lớp mấy?
  • Con của bạn tiếp xúc, hòa đồngvới những trẻ khác như thế nào? Với người lớn thì sao? Con bạn có đặc biệt thân thiết với vài người nhất định không?
  • Những điều khác cần lưu ý:
  • Bạn có thể đem về nhà những bức hình của những người chăm sóc cho trẻ trước đó và những khung cảnh quen thuộc với đứa trẻ.
  • Giữ tất cả những thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của những người biết về trẻ trong trường hợp bạn cần thêm thông tin sau này.
  • Giữ những thông tin về các loại vắc-xin trẻ đã được tiêm trước đó.
  • Cố gắng có được bản sao hồ sơ y khoa (y bạ) của trẻ hoặc chụp lại nó.
  • Nếu bạn không liên lạc thường xuyên với người mẹ ruột, hãy cố gắng sắp xếp cách liên lạc nào đó với bà ấy khi có vấn đề y tế nghiêm trọng.

Trẻ có các nhu cầu đặc biệt

Cụm từ “nhu cầu đặc biệt” được áp dụng cho bất cứ trường hợp nào khiến việc nhận con nuôi trở nên khó khăn hơn. Những đứa trẻ có các nhu cầu đặc biệt thường có vấn đề về tâm lý, sức khỏe hoặc tâm thần, hoặc chúng có thể là trẻ lớn (5 tuổi hoặc lớn hơn) hoặc có anh chị em phải được nhận nuôi chung với nhau. Định nghĩa của “Nhu cầu đặc biệt” ở mỗi tiểu bang mỗi khác.

Nếu bạn đang định nhận nuôi một đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt, bạn có thể được tiểu bang hoặc trung tâm yêu cầu tham gia các khóa học hoặc được tư vấn gia đình để chuẩn bị cho việc nhận con nuôi. Hãy cố gắng tìm hiểu càng nhiều càng tốt về tình trạng của đứa trẻ và những chăm sóc đặc biệt có thể sẽ cần đến trước khi bạn quyết định nhận nuôi đứa trẻ. Cha mẹ của những đứa trẻ khác có hoàn cảnh tương tự có thể là nguồn thông tin, giúp đỡ quý giá trước và sau khi nhận con nuôi.

Chăm sóc sức khỏe khi đứa trẻ về nhà

Ngay khi về đến nhà, con của bạn nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra và có thể xác định được các vấn đề y tế chưa được ghi nhận.

Nếu bạn nhận nuôi một đứa trẻ đã từng được nhận chăm sóc, trung tâm có thể nói cho bạn biết nơi trẻ từng được chăm sóc sức khỏe để bạn có thể tiếp tục đến khám ở đó hoặc lấy thông tin của trẻ gửi đến cho các bác sĩ bạn chọn. Điều này có thể giúp đứa trẻ không phải làm những xét nghiệm không cần thiết. Nếu con nuôi của bạn sinh ra ở một đất nước khác, bác sĩ có thể đề nghị tiêm chủng cho trẻ.

Những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Những đứa trẻ được nhận nuôi thường được tầm soát một số tình trạng nhất định khi chúng được nhận chăm sóc lâu dài. Tùy vào các yếu tố nguy cơ của đứa trẻ và sự đầy đủ của hồ sơ tiền sử y khoa, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra dò bệnh:

  • Thiếu máu
  • Nồng độ chì trong máu
  • Chậm phát triển (trí tuệ)
  • Viêm gan B và C
  • HIV
  • Ký sinh trùng đường ruột
  • Giảm khả năng nghe và nhìn
  • Rối loạn chuyển hóa
  • Vấn đề tâm lý (chẳng hạn như những vấn đề về tình trạng gắn bó, quyến luyến quá mức)
  • Hội chứng ngộ độc rượu bào thai hoặc hiệu ứng rượu bào thai.
  • Còi xương
  • Giang mai
  • Bệnh tuyến giáp
  • Sâu răng
  • Lao

Những tình trạng phổ biến ở trẻ được nhận nuôi, đặc biệt đối với những trẻ sống trong môi trường nghèo khổ, là trẻ sẽ bị cảm, nhiễm trùng nhẹ, khó chịu ở dạ dày, và tiêu chảy cấp sau khi đến nhà mới. Điều này thường xảy ra khi đứa trẻ tiếp xúc với các loại vi trùng và chế độ ăn uống mới. Những bệnh lý này thường tự khỏi khi đứa trẻ quen dần với môi trường mới. Nhưng nếu nó kéo dài, hãy đến bác sĩ.

Những đứa trẻ được nhận nuôi từ nước ngoài, đặc biệt là các trẻ đến từ Trung Quốc hoặc Đông Âu, có thể có một số vấn đề y tế tức thời khác,có thể bao gồm các bệnh nhiễm trùng như ghẻ, rận, lao tiềm ẩn, ký sinh trùng đường ruột; còi xương và các dạng suy dinh dưỡng; và ngộ độc chì.

Trẻ được nhận nuôi cũng thường có vấn đề về mặt cảm xúc liên quan đến việc ăn uống khi trẻ làm quen với nhà mới. Những vấn đề này có thể bao gồm tích trữ thức ăn và ăn đến mức nôn mửa (cả hai đều là dấu hiệu của sự thiếu ăn trong quá khứ). Những vấn đề này thường sẽ khỏi theo thời gian và với biện pháp chăm sóc y tế phù hợp, dù một vài trẻ có thể cần được tư vấn.

Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào về các vấn đề chăm sóc sức khỏe và y tế xung quanh việc nhận con nuôi. Càng tìm hiểu kỹ về sức khỏe của đứa trẻ thì bạn càng có khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn về cách thức chăm sóc y tế và giúp đứa trẻ hòa nhập vào cuộc sống gia đình tốt hơn.

 

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/pregnancy-newborns/caring-for-newborns/adoption/medical-issues-in-adoption.html

keyword

Từ khóa

Đang cập nhật

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích