menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Tivi ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?

user

Ngày:

21/08/2015

user

Lượt xem:

9231

Bài viết thứ 02/03 thuộc chủ đề “Thói quen lành mạnh tại nhà”

Rất nhiều trẻ em bước vào thế giới của tivi trước khi chúng đến trường. Nghiên cứu của hiệp hội chăm sóc sức khỏe gia đình kaiser (tiếng anh là "kaiser family foundation") cho thấy:

  • 2/3 trẻ sơ sinh và trẻ tập đi nhìn vào màn hình trung bình 2 giờ một ngày.
  • Trẻ dưới 6 tuổi xem trung bình khoảng 2 giờ các phương tiện truyền thông một ngày, chủ yếu là tivi, video hay dvd.
  • Trẻ em và thanh thiếu niên từ 8 đến 18 tuổi dành gần 4 giờ mỗi ngày trước màn hình tivi và thêm gần 2 giờ với máy tính (ngoài thời gian học) và chơi game.

Viện hàn lâm nhi khoa mỹ (tiếng anh là "american academy of pediatrics", viết tắt là "app") khuyến cáo rằng trẻ em dưới 2 tuổi không nên xem bất kì chương trình tivi nào và trẻ em lớn hơn 2 tuổi không được xem quá 1 đến 2 giờ mỗi ngày.

Hai năm đầu tiên của cuộc đời được xem là thời điểm quan trọng cho sự phát triển của não bộ. Tivi và các phương tiện truyền thông khác có thể làm cản trở quá trình khám phá, chơi, tiếp xúc với cha mẹ và những người xung quanh của trẻ. Đây là những hoạt động quan trọng giúp trẻ học tập, phát triển cả về thể chất và các mối quan hệ xã hội.

Khi trẻ em lớn dần lên, việc dành quá nhiều thời gian ngồi trước màn hình sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động như vận động thể chất, đọc sách, làm bài tập về nhà, chơi cùng bạn và dành thời gian cho gia đình.

Dĩ nhiên việc xem tivi có chừng mực lại là một điều tốt: trẻ em mẫu giáo có thể học bảng chữ cái trên chương trình tivi, học sinh tiểu học có thể học về thế giới hoang dã trên các chương trình về tự nhiên, và những bậc cha mẹ có thể bắt kịp với các sự kiện đang diễn ra thông qua các chương trình tin tức vào buổi tối. Chúng ta không thể phủ nhận rằng tivi là cũng có thể là một công cụ giáo dục tốt và là nguồn giải trí cho tất cả mọi người.

Nhưng bên cạnh các lợi ích thì việc xem tivi quá nhiều cũng không tốt:

  • Những trẻ em dành nhiều hơn 4 giờ mỗi ngày để xem tivi thường có khả năng bị béo phì.
  • Những trẻ hay xem các chương trình bạo lực trên tivi thường có những hành vi hung hăng và có thể luôn lo rằng thế giới rất đáng sợ và sẽ có nhiều điều xấu sẽ xảy ra với chúng.
  • Các nhân vật truyền hình thường mô tả những hành động nguy hiểm như hút thuốc, uống rượu và củng cố sự khác biệt giới tính và các khuôn mẫu sắc tộc.

Những người bảo vệ quyền trẻ em lại có các ý kiến khác nhau. Một số yêu cầu tăng số giờ mỗi tuần xem các chương trình giáo dục, một số khác lại cho rằng nói không với tivi là tốt nhất. Ngoài ra cũng có những người nói rằng tốt hơn hết là các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng tivi của trẻ và dạy trẻ rằng tivi là để giải trí, chứ không phải để chạy trốn thực tại.

Tóm lại việc kiểm soát nội dung các chương trình tivi mà trẻ xem là rất quan trọng và cha mẹ nên giới hạn thời gian xem tivi để đảm bảo rằng trẻ không dành quá nhiều thời gian ngồi trước tivi.

Bạo lực

Hãy nhìn số liệu sau để hình dung bao nhiêu cảnh bạo lực trẻ có thể xem trên tivi: cho đến 18 tuổi trung bình trẻ em ở Mỹ chứng kiến 200.000 hành động bạo lực trên tivi. Điều này có thể khiến trẻ vô cảm đối với bạo lực và trở nên hung hăng. Bạo lực trên tivi đôi lúc khuyến khích trẻ bắt chước, vì bạo lực thường được diễn tả như một cách giải trí và là cách hiệu quả để đạt được những gì mình mong muốn.

Nhiều hành động bạo lực thường do "người tốt" gây ra, những người mà trẻ em được dạy để trở thành. Mặc dù cha mẹ thường dạy trẻ rằng đánh nhau là không tốt, nhưng trên tivi lại nói rằng nếu mình là người tốt thì có đánh nhau cũng không sao. Điều đó làm trẻ rối loạn khi cố gắng phân biệt giữa đúng và sai. Và những "kẻ xấu" trên tivi thì thường không phải chịu trách nhiệm hay hình phạt cho những hành động mà họ gây ra.

Đặc biệt trẻ nhỏ tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh bạo lực và đáng sợ. Việc giải thích với trẻ rằng những hình ảnh đó không có thật không thể an ủi được chúng, bởi trẻ quá nhỏ để có thể phân biệt được sự khác nhau giữa tưởng tượng và thực tế. Trẻ có thể gặp rối loạn hành vi, ác mộng và khó ngủ do xem bạo lực trên các phương tiện truyền thông.

Những trẻ em lớn hơn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh bạo lực xuất hiện trên các chương trình hư cấu, tin tức hay các chương trình dựng lại thực tế. Trẻ trong độ tuổi này có khả năng lý giải, vì thế cần phải giải thích sự thực để chúng không sợ hãi. Tuy nhiên, tốt hơn hết là không nên cho trẻ xem những chương trình mà có thể làm cho chúng sợ.

Các hành vi nguy hiểm

Trên tivi đầy rẫy các chương trình và quảng cáo mô tả các hành vi nguy hiểm (như uống rượu bia, hút thuốc phiện, hút thuốc, quan hệ trước khi kết hôn) là vui, thú vị và sành điệu và thường cũng không có bất kì mô tả nào về hậu quả từ những hành động này.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ vị thành niên xem nhiều các chương trình về tình dục thường bắt đầu quan hệ tình dục sớm hơn bạn bè cùng trang lứa không xem các chương trình về tình dục.

Quảng cáo về đồ uống có cồn trên truyền hình tăng lên đáng kể trong vài năm qua và ngày càng nhiều trẻ vị thành niên xem các quảng cáo này. Một cuộc nghiên cứu gần đây của trung tâm thị trường đồ uống có cồn và thanh thiếu niên (tiếng anh là "center on alcohol marketing and youth", viết tắt là "camy") cho thấy rằng số lượng thanh thiếu niên xem quảng cáo về đồ uống có cồn trên tivi tăng lên 30% từ năm 2001 đến 2006.

Mặc dù quảng cáo về thuốc lá đã bị cấm trên tivi, nhưng trẻ em và trẻ vị thành niên vẫn có thể thấy nhiều người hút thuốc trên các chương trình và phim phát sóng trên truyền hình. Điều này làm cho các hành vi như hút thuốc và uống rượu được xem như là có thể chấp nhận được. Trên thực tế, trẻ em xem tivi nhiều hơn 5 giờ mỗi ngày dễ có khả năng hút thuốc hơn so với những đứa trẻ xem ít hơn 2 giờ mỗi ngày.

Béo phì

Các chuyên gia sức khỏe từ lâu đã khẳng định mối quan hệ giữa thời gian xem tivi và bệnh béo phì – căn bệnh thế kỷ thời nay. Việc xem tivi làm giảm thời gian vận động của trẻ và trẻ cũng thường ăn vặt khi xem tivi. Chúng cũng sẽ bị tấn công bởi những quảng cáo khuyến khích ăn các loại thức ăn không tốt cho sức khỏe như khoai tây chiên, và uống nhiều nước ngọt.

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng việc giảm thời gian trẻ xem tivi sẽ giúp giảm tăng cân và giảm chỉ số khối lượng cơ thể (tiếng anh là "body mass index", viết tắt là "bmi" – đây là một phương pháp đo độ béo phì dựa trên chiều cao và khối lượng cơ thể).

Quảng cáo

Hình ảnh bé xem ti vi

Theo viện hàn lâm nhi khoa mỹ (tiếng anh là "american academy of pediatrics"), trẻ em ở Mỹ xem 40.000 quảng cáo mỗi năm. Trẻ em trong mọi lứa tuổi bị bao vây bởi hàng trăm nghìn quảng cáo, từ quảng cáo về đồ ăn vặt và đồ chơi xen vào phim hoạt hình cho đến khuyến mãi hấp dẫn trên mặt sau của hộp ngũ cốc. Với trẻ, tất cả những thứ đó đều trông lý tưởng và tất yếu. Tất cả mọi quảng cáo đều có vẻ rất hấp dẫn, và thường thì chúng trông tốt hơn nhiều so với thực tế.

Dưới 8 tuổi, hầu hết trẻ em không hiểu rằng quảng cáo chỉ là một hình thức để khuyến khích mua sản phẩm. Trẻ em từ 6 tuổi trở xuống không thể phân biệt được chương trình truyền hình và quảng cáo xen vào, nhất là khi nhân vật yêu thích của chúng lại quảng bá cho sản phẩm. Đối với trẻ lớn hơn cũng cần phải nhắc nhở về mục đích của quảng cáo.

Tất nhiên, chúng ta không thể thoát khỏi quảng cáo. Cha mẹ có thể tắt tivi hoặc giới hạn thời gian xem tivi của trẻ, nhưng chúng vẫn sẽ nhìn thấy và nghe thấy quảng cáo về các sản phẩm mới nhất.

Những gì cha mẹ có thể làm là dạy cho trẻ em hiểu thông qua việc nói chuyện về các sản phẩm được quảng cáo trên truyền hình. Hỏi những câu hỏi kích thích tư duy như là, "con thích điều gì về sản phẩm đó?", "con có nghĩ rằng nó thực sự tốt như trong quảng cáo hay không?" và "con có nghĩ rằng đó là một sự lựa chọn tốt cho sức khoẻ không?".

Khi trẻ con đòi một sản phẩm quảng cáo, bạn hãy giải thích rằng quảng cáo làm ra để làm cho mọi người muốn những thứ họ không nhất thiết cần. Quảng cáo thường làm cho chúng ta nghĩ rằng các sản phẩm này sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc hơn bằng cách nào đó. Việc nói sự thực cho trẻ sẽ giúp trẻ nhận thức được.

Để hạn chế trẻ em tiếp xúc với các quảng cáo truyền hình, viện hàn lâm nhi khoa mỹ khuyến cáo:

  • Hãy để con xem các đài truyền hình trung ương (một số chương trình được tài trợ bởi các công ty khác nhau, mặc dù những sản phẩm họ bán hiếm khi xuất hiện trên tivi).
  • Ghi hình các chương trình lại và cắt phần quảng cáo.
  • Mua hoặc thuê video hay dvd của trẻ em.

Hiểu về phân loại chương trình tivi và các V-Chip

Có hai cách giúp bạn theo dõi những gì con bạn xem:

  • Phân loại chương trình tivi. Đây là hệ thống phân loại chương trình tivi mô phỏng theo hệ thống phân loại phim. Các phân loại này được liệt kê ở sách hướng dẫn chương trình truyền hình, danh sách kênh truyền hình trên báo địa phương, và trên màn hình hướng dẫn của truyền hình cáp. Chúng cũng xuất hiện ở bên trái phía trên màn hình trong vòng 15 giây đầu tiên của chương trình truyền hình. Không phải tất cả các kênh đều có hệ thống phân loại này. Đối với những kênh có phân loại thì ký hiệu phân loại là như sau:
    • TV-Y: thích hợp cho tất cả trẻ em
    • TV-Y7: dành cho trẻ từ 7 tuổi trở lên (từ lứa tuổi này trẻ có thể phân biệt được dựng chuyện và thực tế); các chương trình này có thể chứa cảnh bạo lực trong tưởng tượng ở mức độ nhẹ hoặc bạo lực hài hước mà trẻ nhỏ hơn sẽ sợ.
    • TV-Y7-FV: chứa nhiều bạo lực hơn các chương trình TV-Y7.
    • TV-G: thích hợp cho mọi khán giả; không dành riêng cho trẻ em, nhưng chứa ít hoặc không có bạo lực, không có những nội dung về tình dục, hoặc ngôn ngữ quá khích.
    • TV-PG: cha mẹ nên kiểm soát; có thể chứa một số chủ đề không phù hợp cho trẻ nhỏ như: cảnh bạo lực ở mức độ trung bình (V), một số cảnh chứa nội dung tình dục (S), đôi lúc có chứa ngôn ngữ quá khích (L), và một số ngôn ngữ khêu gợi (D).
    • TV-14: cha mẹ nhất thiết nên kiểm soát – chỉ phù hợp với trẻ trên 14 tuổi; những chương trình này có chứa một hoặc nhiều điều sau đây: bạo lực với tần suất cao (V), các tình huống tình dục với tần suất cao (S), ngôn ngữ quá khích (L), và nhiều ngôn ngữ khêu gợi.
    • TV-MA: các chương trình trên kênh này được thiết kế dành cho người lớn và có thể không phù hợp cho trẻ em dưới 17 tuổi; thường chứa một trong những điều sau đây: bạo lực thực sự (V), nhiều cảnh chứa nội dung tình dục (S), hoặc ngôn ngữ thô bạo (L).
  • V-chip (V là từ viết tắt của từ tiếng Anh "violence", nghĩa là "bạo lực"). Công nghệ này cho phép bạn ngăn chặn các chương trình truyền hình và phim trên tivi mà bạn không muốn con bạn xem. Tất cả các tivi mới có màn hình 13 inch hoặc lớn hơn giờ đây thường có sẵn V-chip bên trong, đối với tivi được sản xuất trước năm 2000 thì có thể cài hộp V-chip bên ngoài. Với V-chip cha mẹ có thể cài chương trình TV thích hợp với lứa tuổi của con và chặn các chương trình không thích hợp. Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (tiếng Anh là "Federal Communications Commission", viết tắt là "FCC") yêu cầu rằng V-chips trong các TV đời mới phải được cập nhật và ngăn chặn những chương trình không tuân thủ theo các tiêu chuẩn mới.

Đối với phần lớn cha mẹ, hệ thống phân loại tivi và V-chip có thể là những công cụ hữu ích. Nhưng có một số lo ngại rằng việc sử dụng hệ thống này có thể tồi tệ hơn là khi không sử dụng. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy rằng con trai trước hay trong tuổi vị thành niên thường muốn xem những chương trình người lớn (phân loại MA) hơn là những chương trình phân loại PG. Và cha mẹ có thể phụ thuộc quá nhiều vào những công cụ này mà ngừng giám sát những chương trình mà con cái xem.

Thêm vào đó, tin tức thời sự, thể thao, quảng cáo thì không được phân loại, mặc dù các chương trình này thường chứa cảnh bạo lực và tình dục. Một số người bảo vệ quyền trẻ em cũng cho rằng hệ thống phân loại không cung cấp đủ thông tin về nội dung của chương trình để cha mẹ có thể đưa ra quyết định liệu một chương trình nào đó có thích hợp cho con của mình hay không.

Vì vậy, ngay cả khi cha mẹ đã sử dụng V-chip hay một tính năng có hiển thị phân loại tivi, thì vẫn cần xem trước liệu chúng có phù hợp với con hay không để tắt TV nếu không phù hợp.

Dạy trẻ có thói quen tốt khi xem tivi

Dạy trẻ xem ti vi lành mạnh

Dưới đây là một số cách thiết thực để làm cho việc trẻ xem tivi ở nhà có hiệu quả hơn:

  • Giới hạn số giờ mà trẻ xem tivi
    • Sắp xếp căn phòng nơi bạn đặt tivi có nhiều trò chơi giải trí không cần màn hình (như là sách hay tạp chí dành cho thiếu nhi, đồ chơi, xếp hình, bàn cờ….) để khuyến khích trẻ làm một việc gì đó khác thay vì tập trung vào xem tivi.
    • Đặt tivi hay internet ngoài phòng ngủ.
    • Tắt tivi trong bữa ăn.
    • Không cho phép trẻ em xem tivi trong khi làm bài tập về nhà.
    • Hãy xem tivi như một phần thưởng. Cha mẹ nên đặt ra các quy tắc trong gia đình về việc xem tivi, chẳng hạn như có thể xem tivi sau khi hoàn thành công việc nhà và bài tập về nhà.
  • Hãy thử một tuần cấm xem tivi cho mọi thành viên trong gia đình. Bài tập ở trường, các hoạt động thể thao, và sức nặng công việc sẽ khiến việc tìm thời gian quây quần cả gia đình những ngày thường trong tuần khó khăn. Tuy nhiên bằng cách ghi âm lại chương trình tivi trong tuần để xem vào cuối tuần hoặc chỉ dành thời gian xem tivi vào cuối tuần, cả gia đình sẽ có thêm thời gian bên nhau trong các bữa ăn, trò chơi, hoạt động thể chất, và đọc sách vào những ngày thường trong tuần.
  • Chính bạn hãy làm gương cho mọi người: bằng cách hạn chế thời gian xem tivi của bạn.
  • Kiểm tra trước danh sách các chương trình tivi để chọn ra các chương trình mà cả gia đình có thể xem cùng nhau (ví dụ như các chương trình phù hợp với lứa tuổi phát triển của con, không chứa bạo lực, và những chương trình củng cố giá trị của gia đình). Cũng nên chọn những chương trình có tính chất giáo dục, kích thích tính hiếu học và sự hình thành sở thích (như đọc sách, khoa học, vv).
  • Kiểm tra nội dụng các chương trình trước khi con xem
  • Hãy sắp xếp lịch xem tivi trong gia đình bằng cách liệt kê các chương trình được xem theo từng tuần. Sau đó, dán lịch đó lên một chỗ dễ nhìn thấy (như trên cửa tủ lạnh) để mọi thành viên gia đình biết chương trình nào được xem và khi nào thì xem được. Và nên tắt tivi khi đã xem hết lịch thay vì tìm kênh khác.
  • Mọi người trong gia đình nên xem tivi cùng nhau. Nếu bạn không thể ngồi xem toàn bộ chương trình, thì ít nhất là nên xem vài phút đầu tiên để xem nó có thích hợp cho con của bạn hay không, sau đó thỉnh thoảng kiểm tra giữa chương trình.
  • Nói chuyện với con về những gì chúng nhìn thấy trên tivi và cho con biết suy nghĩ của riêng bạn. Nếu một cái gì đó bạn thấy không phù hợp cho con xuất hiện trên màn hình, bạn có thể tắt tivi, sau đó đặt câu hỏi kích thích tư duy như: "Con có nghĩ rằng nó thích hợp khi những người đàn ông đó đánh nhau? Họ có thể làm gì khác nữa không? Nếu là con thì con sẽ làm gì?". Hoặc là "Con nghĩ gì về cách mà những thanh thiếu niên đã hành động ở buổi tiệc đó? Con có nghĩ rằng những gì họ đang làm là sai trái?" Nếu một vài người hay một số nhân vật bị ngược đãi hay phân biệt đối xử, bạn nên nói về lý do tại sao việc chúng ta đối xử với mọi người công bằng là quan trọng, cho dù họ có khác chúng ta như thế nào. Bạn có thể sử dụng tivi để giải thích tình huống khó hiểu và thể hiện cảm xúc của bạn về chủ đề nhạy cảm (quan hệ tình dục, tình yêu, ma túy, rượu, thuốc lá, công việc, hành vi, cuộc sống gia đình).
  • Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh khác, bác sĩ, và giáo viên về cách quản lí thời gian con xem tivi của họ và các chương trình mà họ cho là tốt cho trẻ.
  • Tìm những hoạt động thú vị thay vì xem tivi. Nếu con muốn xem tivi nhưng bạn muốn tắt chúng, bạn có thể gợi ý chơi cờ, chơi trốn tìm, chơi ở bên ngoài, đọc, hay làm đồ thủ công, hoặc nghe nhạc và nhảy. Những hoạt động thú vị không dùng tivi là vô tận – do đó hãy tắt tivi và tận hưởng thời gian vui vẻ có ích bên nhau.

Tài liệu tham khảo

http://familydoctor.org/familydoctor/en/kids/home-safety/how-tv-affects-your-child.html

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích