menu toggle

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI

Câu hỏi

Chào Bác sĩ. Con em được 3 tuổi 4 tháng, bé gái, bé xổ giun nay đã được 2 tháng, nhưng khoảng 1 tuần nay bé ngứa hậu môn lúc bé chuẩn bị đi ngủ, hầu như đêm nào cũng vậy. Em dùng đen pin soi vào hậu môn bé thì thấy có giun kim, khoảng 1-2 con. Bác sĩ tư vấn giúp em co cách nào xổ giun cho bé không ạ? Bé mới xổ giun 2 tháng thì có uống thuốc xổ giun được nửa không. Cảm ơn bác sĩ!

Trả lời

Bạn có thể đi khám làm thêm xét nghiệm chẩn đoán như soi phân. Nếu con bạn thật sự bị giun có thể dùng thuốc pyrantel để tẩy cho em bé, thuốc có dạng hỗn dịch và viên nén. Con bạn đã tẩy một loại thuốc giun rồi nên bạn nên cho bé đi khám bác sĩ nhi khoa.

Quan trọng là phải xổ giun cả nhà, giặt rửa toàn bộ chăn chiếu và đồ chơi của bé, vì trứng giun có thể còn rơi vãi trong nhà.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/groups/nhikhoa.yhcd/permalink/940701656001439/

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, với bệnh sốt xuất huyết, bao lâu sau khi bị muỗi mang mầm bệnh cắn thì phát bệnh ạ? Em đi thăm bệnh (em không biết bé kia bị sốt xuất huyết) và có đưa cháu (12.5 tháng) đi theo, cháu có bị muỗi đốt tại nhà bệnh nhi. Đến nay, bệnh nhi kia đã là ngày thứ 9 sau khi phát bệnh, và bé nhà em bắt đầu sốt 37.6 độ không đi kèm bất kỳ triệu chứng sổ mũi, ho nào khác. Vậy bé nhà em có phải bị sốt xuất huyết không ạ? Em xin cám ơn.

Trả lời

Chào chị,

Sốt xuất huyết dengue có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

  • Sốt cao (40°C/ 104°F) thường kèm theo ít nhất là hai trong những triệu chứng sau:
  • Đau đầu
  • Nhức sau hốc mắt
  • Buồn nôn, nôn
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau mỏi cơ, xương hay khớp
  • Phát ban

Ở Việt Nam,Sốt xuất huyết dengue là bệnh lưu hành quanh năm nhưng thường tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11.

Nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết dengue, cần đến cơ sở y tế để khám ngay. Để chẩn đoán sốt xuất huyết dengue, bác sĩ sẽ phải:

  • Đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng;
  • Làm xét nghiệm máu để phát hiện nhiễm virus dengue;
  • Xem xét tiền sử bệnh tật và tiền sử đi/đến vùng lưu hành dịch. Những người mới ghé qua những vùng có lưu hành bệnh sốt dengue trong vòng 2 tuần trước đó cần phải thông báo cho bác sĩ biết.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/groups/nhikhoa.yhcd/permalink/937512679653670/

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, bé bị viêm phổi uống kháng sinh, có nên bổ sung thêm men tiêu hóa để ngừa bị viêm dạ dày không ạ. Bé 14 tháng, cân nặng là 13 kg. Em cảm ơn.

Trả lời

Trẻ đang điều trị viêm phổi với kháng sinh, chị cần hỏi ý kiến chuyên môn bác sĩ đang điều trị để xác định cháu cần bổ sung men tiêu hoá hay không.

Men tiêu hoá bổ sung khi:

  • Trẻ thiếu men tiêu hóa hoặc muốn tăng cường thêm khả năng tiêu hóa thức ăn ở trẻ kém hấp thu, biếng ăn thì ta có thể dùng men tiêu hóa.
  • Hoặc những trẻ mới ốm dậy, thể lực yếu, hệ tiêu hóa chưa tiết men đầy đủ cũng là đối tượng nên dùng để giúp cơ thể hồi phục nhanh. Men tiêu hóa chỉ được dùng trong một khoảng thời gian nhất định.

Không nên sử dụng men tiêu hóa lâu ngày vì có thể làm giảm sự bài tiết enzym tự nhiên của cơ thể khiến cơ thể phụ thuộc vào nguồn enzym cung cấp từ ngoài vào. Không tự ý cho trẻ dùng men tiêu hóa khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Vì thế chỉ dùng khi thực sự cần thiết phải có chỉ định của bác sĩ.

Cần phân biệt men tiêu hoá và men vi sinh

  • Men vi sinh là các chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích, khi uống vào nhằm cải thiện sự cân bằng của hệ vi khuẩn ruột và có lợi ích cho sức khỏe người dùng.
  • Trong ruột già của một người khỏe mạnh có những loại vi khuẩn thường trú ở đây, ngoài vi khuẩn gây bệnh còn có vi khuẩn có ích. Các vi khuẩn có ích giúp tiêu hóa tốt thức ăn, tạo hệ sinh thái cân bằng trong đường ruột và bảo vệ ruột già. Việc bổ sung các men vi sinh nhằm nâng cao sức đề kháng cho đường ruột là cần thiết, đặc biệt sau một đợt trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
  • Men tiêu hóa ở đây hoàn toàn khác với men vi sinh, vì chúng không phải là các vi khuẩn sinh học đông khô mà là các hợp chất hóa học thực thụ.
  • Men tiêu hóa là men hay còn gọi là enzym do chính các tuyến trong cơ thể tiết ra để tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Thường thì các enzym của dạ dày, nước bọt và của tụy được bào chế để bổ sung hỗ trợ tiêu hóa.
  • Dù với loại nào thì chúng đều có chung một đặc tính là: trợ giúp cơ thể phân cắt những tảng thực phẩm lớn thành những mảnh thực phẩm nhỏ và dần dần thành những phân tử dinh dưỡng như đường đơn, axit amin, axit béo để cơ thể hấp thu. Vì lẽ đó, men tiêu hóa là một công cụ giúp cơ thể lấy lại sức trong những giai đoạn còn yếu ớt và chưa đủ sức tự mình tiêu hóa thức ăn.

Riêng về men vi sinh, chị có thể tham khảo thêm các bài viết sau:

  1. Men vi sinh là gì?
  2. Khi nào men vi sinh có hiệu quả?
  3. Hiểu sâu hơn về men vi sinh

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/groups/nhikhoa.yhcd/permalink/934957116575893/

Câu hỏi

Các bác sỹ tư vấn cho em với ạ. Em có nên cho bé tiêm vắc xin cúm không ạ? Vì em được biết vắc xin cúm chỉ ngừa được một vài chủng, đã tiêm thì năm nào cũng phải tiêm mà chỉ là nhắc lại thôi đúng không ạ? Em cám ơn các bác sỹ ạ.

Trả lời

Vắc xin cúm là gì?

Vắc xin cúm có 2 loại, vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin cúm bất hoạt. Loại vắc xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam là loại vắc xin bất hoạt. Các vắc xin cúm bất hoạt chứa các kháng nguyên của 2 chủng cúm A (H1N1,H3N2) và 1chủng cúm B theo khuyến cáo hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới. Vắc xin dạng dung dịch, đóng sẵn trong bơm tiêm với liều lượng 0,5ml hoặc 0,25ml. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Không được để đông băng vắc xin. Nên lắc kỹ vắc xin trước khi sử dụng.

Ai nên tiêm vắc xin cúm?

Vắc xin cúm được khuyến cáo sử dụng cho các đối tượng:

  • Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi.
  • Người lớn trên 60 tuổi.
  • Người có bệnh mạn tính hô hấp hoặc tim mạch, bị bệnh rối loạn chuyển hoá, rối loạn chức năng thận hoặc bị suy giảm miễn dịch(do thuốc hoặc do nhiễm HIV).
  • Phụ nữ dự định mang thai.

Vắc xin cúm được tiêm bắp hoặc dưới da.

Người lớn và trẻ em trên 3 tuổi tiêm 1 liều 0,5ml.

Trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi tiêm liều 0,25ml. Nên tiêm mũi thứ 2 sau ít nhất 4 tuần cho những trẻ chưa từng tiêm vắc xin trước đó.

Tất cả các đối tượng trên nên tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm.

Nên tiêm vắc xin cúm ngay từ khi bắt đầu có vắc xin cho mùa dịch cúm mới. Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 10 và 11 hàng năm.

Tuy nhiên, vắc xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Các phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin?

Một số ít có sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ và mệt mỏi. Hiếm gặp đau dây thần kinh, rối loạn cảm giác, co giật, giảm tiểu cầu thoáng qua. Rất hiếm gặp viêm mạch máu, ảnh hưởng đến thận. Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng chống cúm, một căn bệnh nghiêm trọng và đôi khi làm chết người, nhất là trong đại dịch. Khi bạn tiêm phòng cũng là giúp bảo vệ những người khác.

Ai không nên tiêm vắc xin?

  • Hoãn tiêm đối với những hợp trường đang sốt hoặc bị các bệnh lý cấp tính.
  • Không tiêm cho các đối tượng bị phản ứng quá mẫn với vắc xin ở liều tiêm trước và mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc xin.

Đối với vaccin sởi có các thông tin sau

Vaccin sởi là chế phẩm đông khô virus sởi sống giảm độc lực. Chế phẩm hiện có chứa dòng virus sởi Ender giảm độc lực hơn tách từ chủng Edmonston giảm độc lực bằng cách cấy truyền nhiều lần trên nuôi cấy tế bào phôi gà ở nhiệt độ thấp. Mỗi liều 0,5 ml vaccin sau khi đã pha chứa không dưới một đương lượng 1000 TCID50 (liều gây nhiễm mô cấy 50%).

Các thành phần khác: Khoảng 25 microgam neomycin; dung dịch để pha. Vaccin không chứa các chất bảo quản, các chất sát khuẩn và chất tẩy rửa.

Do đó, tuỳ vào loại vaccin cúm sử dụng mà được tiêm chung với vaccin sởi hay không. Tuy nhiên ở Việt Nam thường hay sử dụng vaccin cúm là Fluarix hay Vaxigrip, là vaccin cúm bất hoạt chứa kháng nguyên thôi nên trên nguyên tắc có thể tiêm 2 loại vaccin cúm (ở trên) và sởi đồng thời được.

Chia sẻ của Bác sĩ. Bùi Thị Hằng

Bạn thân mến. Vaccin cúm đúng là chỉ phòng được một số loại virus cúm. Tuy nhiên, mỗi mùa cúm thông thường chỉ có một số loại virus gây bệnh thường gặp và người ta sản xuất vaccine để phòng những loại virus cúm đó. Nếu bạn có điều kiện kinh tế thì bạn vẫn nên tiêm để giúp bạn tránh bị cúm hoặc nếu có bị thì sẽ bị rất nhẹ thôi. Chúc bạn khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo

https://www.facebook.com/groups/nhikhoa.yhcd/permalink/929087883829483/