menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Trầm cảm ở người cao tuổi

user

Ngày:

20/07/2018

user

Lượt xem:

615

Bài viết thứ 05/11 thuộc chủ đề “Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi”

Tài liệu này được cung cấp bởi Hội các chuyên gia Tâm thần Hoàng gia Anh, một cơ quan chuyên môn phụ trách cho việc giáo dục, đào tạo, thiết lập và nâng cao các tiêu chuẩn của tâm thần học. Họ cũng cung cấp các thông tin dễ hiểu, dễ sử dụng và dựa trên bằng chứng xác thực về nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần.

Tài liệu này được viết cho người trên 65 tuổi mắc bệnh trầm cảm. Chúng tôi hy vọng nó cũng sẽ hữu ích cho người thân, bạn bè và người chăm sóc. Tài liệu bao gồm:

  • Các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
  • Làm thế nào để giúp đỡ người bị trầm cảm.
  • Một vài gợi ý để tìm hiểu sâu hơn.

Giới thiệu

Trầm cảm ở người cao tuổi

Ai cũng có lúc cảm thấy buồn bã. Nhưng cuộc sống còn có thể gây cho bạn nhiều thứ thất vọng hơn. Bạn có thể phải phải đối mặt với:

  • Mất việc làm.
  • Thu nhập thấp.
  • Viêm khớp hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
  • Mất đi người bạn đời hoặc bạn bè.

Mặc dù có những khó khăn trên, người cao tuổi không phải lúc nào cũng cảm thấy phiền muộn – ít hơn 1 trên 6 người cao tuổi cảm thấy buồn phiền đến mức họ hoặc người xung quanh nhận ra. Dưới 1 trên 30 người cao tuổi bị bệnh trầm cảm. Nhưng nếu bạn bị trầm cảm, các hỗ trợ có sẵn sẽ giúp ích cho bạn hiệu quả như với người trẻ.

Mắc bệnh trầm cảm là như thế nào?

Cảm thấy buồn hay thất vọng không phải là dấu hiệu duy nhất của bệnh trầm cảm. Bạn có thể:

  • Mất hứng thú trong cuộc sống – bạn không còn thích thú với những điều bạn luôn thích.
  • Cảm thấy mệt mỏi mà không có lý do. Bạn cảm thấy không muốn làm bất cứ điều gì. Ngay cả những thứ đơn giản cũng cần một nỗ lực lớn.
  • Mất cảm giác ngon miệng và sụt cân.
  • Cảm giác bồn chồn và thấy khó thư giãn.
  • Lo lắng nhiều hơn bình thường.
  • Muốn xa lánh mọi người.
  • Cảm thấy bực tức hoặc hay cấu gắt với mọi người.
  • Khó ngủ. Bạn có thể thức giấc sớm hơn thường lệ một đến hai giờ và không thể ngủ lại.
  • Mất niềm tin vào bản thân.
  • Cảm thấy vô dụng hoặc là gánh nặng cho người khác.
  • Nhận thấy mình không thể tập trung.
  • Cảm thấy sợ hãi.
  • Mất cảm giác tình dục.
  • Cảm thấy tồi tệ hay có tội. Bạn nhắc lại những điều trong quá khứ và có thể làm nó trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Có ý định tự tử – vào một lúc nào đó hầu hết người bị trầm cảm nặng sẽ cảm thấy muốn kết thúc tất cả.

Các vấn đề đặt biệt của người cao tuổi

Triệu chứng thực thể và bệnh trầm cảm

Một số bệnh lý có thể biểu hiện những triệu chứng tương tự như trong bệnh trầm cảm. Ví dụ, chán ăn hoặc mất ngủ có thể do các vấn đề của tuyến giáp, bệnh tim hay viêm khớp.

Bệnh mãn tính

Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể bắt đầu lo lắng nhiều hơn về sức khỏe của mình, mặc dù nó không xấu đi. Điều trị trầm cảm không thể giải quyết các vấn đề về sức khỏe, nhưng nó có thể giúp cho chúng dễ chịu hơn.

Lú lẫn và những vấn đề về trí nhớ

Trầm cảm, lo lắng và lo âu có thể ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn và làm cho bạn cảm thấy lẫn lộn. Bạn có thể lo lắng rằng mình bị sa sút trí tuệ (một dạng mất trí nhớ vĩnh viễn) trong khi nó thực sự chỉ là trầm cảm.

Xuất hiện cảm giác cô đơn

Sống một mình không tự động khiến bạn bị trầm cảm. Nhưng cảm thấy cô độc hơn mà không có lý do rõ ràng có thể là một dấu hiệu của trầm cảm.

Nhờ sự giúp đỡ

Nếu bạn cảm thấy chán nản cùng cực, hãy xem nó là một việc quan trọng. Đây không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, bạn có thể cần được giúp đỡ.

Làm sao để bạn biết khi nào cần được giúp đỡ?

Nếu cảm xúc của bạn:

  • Tồi tệ hơn bạn nghĩ.
  • Kéo dài nhiều tuần.
  • Ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
  • Làm bạn không thể chịu được khi tiếp xúc với người khác.
  • Làm cho bạn cảm thấy cuộc sống không đáng sống.
  • Lo lắng rằng bạn là mối bận tâm cho bạn bè và gia đình.
  • Có những suy nghĩ về việc gây hại cho bản thân hay tự vẫn.

Bạn nên làm gì?

Nói chuyện với bác sĩ của bạn. Họ khá quen thuộc với việc giúp đỡ người bị trầm cảm và sẽ biết phải làm gì. Bạn không làm lãng phí thời gian của bác sĩ khi yêu cầu sự giúp đỡ. Nếu bạn không thể ra khỏi nhà, hãy yêu cầu bác sĩ đến khám cho bạn tại gia. Bạn sẽ thấy hữu ích khi cùng một người bạn hoặc người thân đến gặp bác sĩ.

Tôi không muốn làm phiền bác sĩ – trầm cảm không phải là một bệnh thực sự

Người cao tuổi thường nghĩ nhiều về các bệnh thực thể hơn là về cảm xúc phiền muộn. Bạn có thể được dặn là không nên phiền đến bác sĩ trừ khi có những than phiền thực thể. Đôi khi dấu hiệu đầu tiên của bệnh trầm cảm có thể là một nỗi lo thường trực về việc mắc một bệnh lý gì đó, ngay cả khi bác sĩ không tìm ra bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Nếu bác sĩ nói với bạn rằng bạn bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy như mình không được quan tâm đúng mức. Điều đó là không đúng. Trầm cảm có thể được điều trị như bất kỳ bệnh nào khác.

Tại sao người ta bị trầm cảm?

Khi chúng ta bị trầm cảm, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho chính mình; đó là vì trầm cảm khiến chúng ta nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực. Chúng ta có thể bắt đầu đổ lỗi cho bản thân về những việc mà chúng ta không chịu trách nhiệm.

Các biến cố đau lòng . Trầm cảm có thể đến một cách bất ngờ. Thường thì nó khởi phát do một điều gì đó, như sự qua đời của người bạn đời hoặc bạn thân. Một số dễ bị trầm cảm khi phải đối mặt với một tình huống khó khăn hoặc đau đớn – đó là tính của con người. Phụ nữ dễ bị trầm cảm hơn nam giới, nhưng nam giới có thể lại thấy khó khăn hơn để chia sẻ.

Đã từng bị trầm cảm . Bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn nếu bạn đã từng bị trước đây.

Bệnh tật có thể làm cho bạn cảm thấy phiền muộn, chẳng hạn như bệnh lý về tuyến giáp. Bác sĩ có thể kiểm tra điều này.

Bất kỳ bệnh lý nào cũng có thể gây ra trầm cảm . Nó có thể đột ngột, như một cơn đột quỵ, hoặc lâu dài và gây tàn phế, như bệnh Parkinson. Nó có thể là nhiều bệnh ảnh hưởng qua nhiều năm. Mặc dù điều này làm cho trầm cảm ‘dễ hiểu’ hơn, không có nghĩa rằng nó không thể điều trị được. Dạng trầm cảm này thường đáp ứng tốt với điều trị.

Thuốc . Trầm cảm có thể do một số loại thuốc gây ra. Bạn có thể hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về việc này.

Tự giúp bản thân

Nhờ sự giúp đỡ: Dù là độ tuổi nào, bạn không cần phải chịu đựng bệnh trầm cảm. Hãy cho bác sĩ biết bạn cảm thấy như thế nào.

Hãy tích cực: Có thể bạn thấy khó để ra ngoài thường xuyên do những vấn đề thể chất, nhưng việc đó rất đáng làm. Nếu bạn duy trì tập thể dục thường xuyên (thậm chí chỉ cần đi bộ), bạn sẽ cảm thấy khá hơn. Và nếu bạn ở nhà một mình, bạn thường lo nghĩ về nhiều vấn đề và nó có thể làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn.

Giữ liên kết: Có thể giúp tâm trạng của bạn vui vẻ bằng cách:

  • duy trì các thói quen và sở thích
  • giữ liên lạc với gia đình và bạn bè
  • đến thư viện địa phương hoặc các câu lạc bộ ăn trưa và các trung tâm giải trí.

Cố gắng ăn uống một cách hợp lý: nếu bạn mất cảm giác thèm miệng, sẽ rất dễ bị sụt cân và thiếu các vitamin và khoáng chất quan trọng. Cơ thể người cao tuổi không thể điều hoà tốt như người trẻ – vì vậy điều này có thể thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Hãy cẩn thận với việc dự trữ sô cô la và bánh quy – những thức ăn này nhanh và dễ ăn, nhưng nó không có các vitamin và khoáng chất để giúp bạn khỏe.

Nhắc nhở bản thân rằng trầm cảm là một căn bệnh – không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối . Bạn không phải lười nhác và làm người khác thất vọng.

Nói cho ai đó nếu bạn cảm thấy tồi tệ đến mức có ý nghĩ kết thúc cuộc sống của mình.

Đừng giữ kín những cảm xúc. Nói chuyện với người khác thật sự rất hữu ích.

Cẩn trọng với thức uống của bạn. Rượu có thể khiến trầm cảm tệ hơn. Nó cũng có thể phản ứng với nhiều loại thuốc mà bạn đang dùng.

Cố gắng không hoảng sợ khi không ngủ được. Giấc ngủ sẽ cải thiện khi trầm cảm thuyên giảm.

Cố gắng không thay đổi thuốc bạn đang dùng mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ. Nếu loại thuốc bạn đang dùng gây ra tác dụng phụ, hãy báo với bác sĩ hoặc điều dưỡng.

Đối xử tốt bản thân – bạn có thể cần thay đổi thói quen hằng ngày khi bạn thấy không khỏe.

Cố gắng đừng nghĩ rằng trầm cảm gây ra sa sút trí tuệ. Điều đó không đúng.

Điều trị trầm cảm

Điều trị bằng cách nói chuyện.

Có thể hữu ích khi bạn nói chuyện với một người biết lắng nghe. Có thể là một người bạn, một người thân, một tình nguyện viên hoặc một chuyên gia. Nếu vẫn chưa có hiệu quả, các chuyên gia có thể cung cấp những phương pháp trò chuyện đặc biệt, bao gồm:

  • Tâm lý trị liệu: giúp bạn nhận thấy được bệnh trầm cảm của bạn có thể có liên quan với những điều đã xảy ra trong quá khứ.
  • Nhận thức hành vi trị liệu: giúp bạn thấy được một số cách suy nghĩ có thể khiến bạn bị trầm cảm. Sau đó sẽ giúp bạn suy nghĩ theo cách thực tế hơn để bạn cảm thấy tốt hơn.

Điều trị bằng cách nói chuyện có nguy cơ gì?

Nó rất an toàn. Nhưng đôi khi tâm lý trị liệu có thể gợi lại những kỷ niệm không vui trong quá khứ. Một chuyên gia trị liệu tốt sẽ biết cách đối phó với điều này. Nếu bạn có những mối bận tâm, bạn nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu của bạn.

Bác sĩ hoặc một chuyên gia khác có thể thu xếp cách điều trị này, dù có thể bạn sẽ vào danh sách chờ. Các tổ chức và quỹ từ thiện địa phương có thể cung cấp tư vấn và điều trị nói chuyện miễn phí. Hãy hỏi bác sĩ những tổ chức hiện có tại khu vực của bạn.

Nếu trầm cảm của bạn khởi phát bởi việc mất đi người thân hoặc các vấn đề trong mối quan hệ, thì việc tư vấn hậu sự về hoặc liệu pháp hôn nhân có thể giúp ích.

Thuốc chống trầm cảm

Nếu bạn bị trầm cảm và khó ngủ, chán ăn và sụt cân (hoặc ăn quá nhiều và tăng cân), hoặc trầm cảm trong một thời gian dài, bác sĩ thường sẽ đề nghị một loại thuốc chống trầm cảm. Khoảng 50-60% những người dùng thuốc này thấy có hiệu quả. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm có sẵn hiện nay, bạn có thể tìm thấy một thuốc phù hợp với mình.

Thuốc chống trầm cảm có tác dụng phụ không?

Bạn có thể buồn nôn hay cảm thấy lo lắng hơn trong những ngày đầu, nhưng các tác dụng phụ này thường mất dần. Một vài loại có thể gây buồn ngủ hoặc khô miệng. Chúng đôi khi có thể tương tác với các loại thuốc khác, nhưng bác sĩ của bạn sẽ cân nhắc về những vấn đề này.

Ở người cao tuổi, thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm nồng độ muối (natri) trong máu – điều này có thể làm bạn cảm thấy yếu và không ổn định.

Khoảng 1 trong 3 người có thể có các triệu chứng cai thuốc nếu họ ngừng thuốc đột ngột.  Vì vậy, cách tốt nhất là nên giảm liều từ từ. Để tìm hiểu sâu hơn, bạn có thể đọc thêm các tài liệu về thuốc chống trầm cảm.

Thuốc chống trầm cảm thường mất 1 hoặc 2 tuần để bắt đầu có hiệu lực. Bạn có thể phải mất 6 đến 8 tuần để thấy được sự khác biệt. Đừng lái xe nếu thuốc làm bạn buồn ngủ hoặc làm chậm phản ứng của bạn – nếu điều này xảy ra, hãy đề cập nó với bác sĩ của bạn.

Nhiều người cao tuổi đang sử dụng những loại thuốc khác. Nếu bạn thêm thuốc chống trầm cảm, bạn sẽ thấy khó để nhớ thuốc nào nên uống, và khi nào sẽ uống. Để giải quyết vấn để này, bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ cung cấp cho bạn một chiếc hộp hoặc vỉ thuốc đặc biệt. Nó chứa tất cả các thuốc trong từng ngăn riêng biệt theo thời gian trong ngày và các ngày trong tuần.

Thuốc thảo dược St John

Thảo dược St John

Đây là một thảo dược chống trầm cảm bạn có thể mua ở hiệu thuốc mà không cần toa. Nó có ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc chống trầm cảm khác, nhưng không có hiệu quả trong trường hợp trầm cảm nặng. Nó có thể có hại nếu sử dụng cùng với một số loại thuốc khác – vì vậy, nếu bạn đang dùng thuốc khác, hãy hỏi bác sĩ của bạn về việc này.

Hỗ trợ thiết thực

Bạn có bị trầm cảm vì điều kiện sống khó khăn, không thể giữ cho nhà của bạn theo ý hoặc bạn không cảm thấy hạnh phúc nơi bạn sinh. Nếu vậy, một nhân viên xã hội có thể giúp bạn có được lời khuyên về hỗ trợ tài chính hoặc thực tế – hoặc thậm chí là chuyển chỗ ở. Nhưng hãy cẩn thận, rất dễ đưa ra quyết đinh sai lầm khi bạn bị trầm cảm. Tốt nhất hãy để lại những quyết định lớn như vầy cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.

Các chuyên gia cũng có thể giúp bạn tìm cách chia sẻ thời gian với người khác. Điều này là quan trọng vì rất dễ mất liên lạc với người xung quanh khi bạn bị trầm cảm. Có các câu lạc bộ ăn trưa, các trung tâm giải trí và các nhóm hỗ trợ mà bạn có thể đến. Nó thực sự quan trọng để nói chuyện hoặc thậm chí chỉ cần gặp gỡ người khác. Điều này sẽ giúp bạn rất nhiều.

Phương pháp điều trị nào là tốt nhất?

Mọi người đều có thể thử các phương pháp đơn giản trong bài này. Điều trị bằng cách nói chuyện và thuốc chống trầm cảm có hiệu quả tốt như nhau. Bác sĩ thường đề nghị các loại thuốc chống trầm cảm nếu tình trạng của bạn nghiêm trọng, hoặc đã diễn ra trong một thời gian dài.

Thuốc chống trầm cảm có hiệu quả nhanh hơn một chút so với điều trị bằng cách nói chuyện. Một số người thích điều trị bằng cách nói chuyện, trong khi người khác thích dùng thuốc. Bạn có thể sử dụng cả hai phương pháp cùng một lúc. Bác sĩ có thể cho bạn lời khuyên phù hợp. Bạn có thể thảo luận các lựa chọn với gia đình hoặc một người bạn thân.

Nếu trầm cảm không được điều trị thì sao

Hầu hết sẽ hồi phục, sau vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí một hoặc hai năm, nhưng trầm cảm kéo dài càng ngắn càng tốt. Các bước đơn giản nêu trong bài này có thể đủ để giúp bạn cảm thấy khỏe lại. Nếu trầm cảm tệ đến mức bạn không ăn hoặc uống đầy đủ, bạn có thể trở nên nguy kịch. Nó có thể khiến bạn có ý định tự tử.

Gặp một bác sĩ chuyên khoa

Mặc dù hầu hết có thể khỏe lại với những phương pháp điều trị này tại nhà, một số khác thì không. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu một chuyên gia khám và cho bạn lời khuyên chuyên môn. Điều đó không có nghĩa là họ nghĩ bạn bị ‘điên’. Bác sĩ của bạn có thể cần một ý kiến độc lập hoặc lời chỉ dẫn về điều trị tốt nhất cho bạn.

Tại Anh hầu như nơi nào cũng có bác sĩ tâm thần chuyên môn trong việc giúp đỡ người cao tuổi trầm cảm. Họ thường làm việc trong một đội ngũ chuyên gia về sức khỏe tâm thần, nên bạn thường sẽ gặp một y tá hoặc một nhân viên xã hội trước.

Cuộc nói chuyện đầu tiên với một nhân viên trong nhóm này thường kéo dài khoảng một giờ. Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể thấy khó mà nhớ lại một vài chi tiết về trầm cảm bắt đầu như thế nào. Nếu vậy bạn có thể nhờ một người bạn, hàng xóm hoặc người thân đi cùng với bạn. Cũng có ích nếu bạn viết ra những suy nghĩ của mình trước cuộc nói chuyện này.

Nhập viện

Nếu tình trạng của bạn rất tệ – như không thể ăn hoặc uống, hoặc đã thực hiện hành vi tự vẫn – bạn có thể cần sự an toàn trong bệnh viện. Chỉ có một số ít người bị trầm cảm rơi vào tình trạng này.

Duy trì sức khỏe tinh thần

Không ai muốn bệnh trầm cảm tái phát trở lại. Để duy trì, tốt nhất là không ngừng thuốc chống trầm cảm cho đến khi có chỉ định của bác sĩ – ngay cả khi bạn thấy khỏe trong một khoảng thời gian. Có nguy cơ trầm cảm tái phát trở lại nếu bạn ngừng thuốc quá sớm.

Nếu tổng trạng của bạn tốt và đây là lần đầu tiên bạn bị trầm cảm, bạn có thể sẽ cần uống thuốc từ 6 đến 12 tháng. Nếu bạn đã từng trầm cảm nhiều lần, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng thuốc trong thời gian dài hơn.

Nên xem thật kỹ phần “Tự giúp bản thân” ở phía trên. Tất cả những điều này sẽ giúp bạn duy trì tinh thần – và cảm thấy bạn có thể kiểm soát điều gì đang xảy ra.

Dành cho người thân và bạn bè – làm thế nào để giúp đỡ người bị trầm cảm?

  • Bạn có thể là người đầu tiên nhận ra dấu hiệu trầm cảm. Khuyến khích họ yêu cầu sự giúp đỡ. Nói với họ rằng trầm cảm khá phổ biến, có thể điều trị được và họ sẽ cảm thấy tốt hơn. Họ có thể cần được trấn an rằng họ không phải “hóa điên”. Bạn có thể gợi ý họ đến gặp bác sĩ – và tỏ ý muốn đi cùng với họ.
  • Người bị trầm cảm rất dễ mệt. Cố gắng hỗ trợ họ các việc thực tế, như mua đồ hoặc dọn dẹp nhà cửa. Họ có thể cần nhắc nhở về ăn uống đầy đủ.
  • Đừng buộc họ phải nói. Chỉ cần có người bên cạnh là đã rất tốt.
  • Đừng ép họ làm bất cứ việc gì. Có thể hữu ích nếu họ ra ngoài và tập thể dục nhẹ – nhưng không có ích khi bạn phải thúc giục họ làm việc đó. Trong thực tế, người ta thường sẽ bướng bỉnh khi cảm thấy quá nhiều áp lực. Có thể dễ chấp nhận hơn nếu bạn ngỏ ý cùng họ làm những thứ họ muốn làm – một câu lạc bộ ăn trưa, một trung tâm giải trí, thư viện hoặc nhóm chung sở thích.
  • Kiên nhẫn. Trầm cảm có thể khiến một người luôn cần sự trấn an hoặc tin chắc rằng mình có bệnh bất thường. Thường là vì họ sợ hãi hoặc không hiểu chuyện gì đang xảy ra với họ. An ủi càng nhiều càng tốt và cố gắng dành thời gian lắng nghe. Bạn có thể cần phải làm họ yên lòng rằng họ không phải bị “mất trí”.
  • Đừng ngại hỏi họ đã từng có ý định tự tử. Hầu hết những người có ý nghĩ như thế sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi người khác quan tâm về điều đó. Nói chuyện về vấn đề đó sẽ có ích.
  • Bạn có thể trở nên đuối sức khi chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm – và khi đó điều quan trọng là yêu cầu giúp đỡ cho bản thân bạn. Đội ngũ chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể để bạn nghỉ ngơi bằng cách sắp xếp cho người bị trầm cảm đến một trung tâm giải trí hoặc ngoại trú ở bệnh viện. Họ cũng sẵn sàng lắng nghe khi bạn muốn trò chuyện.
  • Cuối cùng, cố gắng không đưa ra những quyết định về nhà cửa hay chỗ ở khi một người bị trầm cảm. Họ có thể tạo áp lực cho bạn và nói rằng họ thấy phiền muộn tất cả là do nơi họ ở. Nhưng sự việc thường không đơn giản như thế. Người chuyển chỗ ở trong lúc bị trầm cảm có thể hối hận về điều đó khi họ bình phục. Hãy nhớ rằng các dịch vụ xã hội có thể giúp đỡ về việc tự chăm sóc, các bữa ăn và tài chính.
  • Đừng phán xét và hãy cảm thông – trầm cảm là một bệnh có thể chữa được.

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/depression-in-older-adults

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích