menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Răng trẻ em – Câu hỏi thường gặp

user

Ngày:

31/01/2019

user

Lượt xem:

1166

Bài viết thứ 28/44 thuộc chủ đề “Các câu hỏi thường gặp về nhi khoa”

Các bác sĩ tham gia tư vấn

BS. Lâm Đại Phong https://yhoccongdong.com/profile/lam-dai-phong/
BS. Nguyễn Hữu Châu Đức https://yhoccongdong.com/profile/nguyen-huu-chau-duc/
BS. Nguyễn Thị Hoàng Yến https://yhoccongdong.com/profile/nguyen-thi-hoang-yen/
BS. Quynh Anh Nguyen https://www.facebook.com/quynhanh.nguyen.33483?fref=ts

Trước khi đi vào từng câu hỏi các bạn nên đọc qua những tài liệu sau

Bài viết giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề về răng ở trẻ em

Câu hỏi 1

Người hỏi: Huỳnh Trường Giang – Ngày hỏi: 27/3/2015

Tham gia tư vấn: BS. Lâm Đại Phong

Câu hỏi

Chào bác sỹ, em có câu hỏi muốn nhờ bác sỹ tư vấn giúp.

Em có bé trai 3 tuổi 4 tháng, nặng 19kg, cao 1.07m.

Hiện trạng của bé:

  • Viêm tủy không phục hồi cây răng số 75.
  • 7 cây răng cấm bị sâu nhẹ (chưa đến tủy).
  • Hen bậc 2 (vận động nhiều hoặc thời tiết thay đổi => lên cơn hen).
  • Bé rất sợ, không cho khám răng.

Gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Răng Hàm Mặt, và bệnh viện yêu cầu phải Gây mê để chữa tủy + trám. Nhưng gia đình Không muốn gây mê. Mình có cách xử lý nào khác không ạ?

Trả lời

Về kinh nghiệm gây mê mình không biết rõ, nhưng sau khi tham vấn ý kiến của bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ răng trẻ em, thì họ có đề nghị sử dụng phương pháp tiền mê không cần đặt nội khí quản gây mê để điều trị cho bé. Nhưng bản thân mình có đề nghị, nên dùng thuốc giảm đau cho bé qua cơn viêm tuỷ cấp, hướng dẫn cha mẹ cách vệ sinh răng miệng cho bé, đưa bé đến bệnh viện/phòng nha thường xuyên, đợi khi lớn hơn 1 chút sẽ lấy tuỷ cho em.

Việc điều trị răng cho trẻ em còn có một cách khác, rất phụ thuộc vào kĩ năng lâm sàng của bác sĩ. Kĩ năng dụ dỗ, nếu không được, sẽ dùng biện pháp mạnh (cha mẹ đồng ý), tức là dùng dụng cụ giữ tay chân bé lại, và dùng thanh cắn để buột bé há miệng và tiến hành chữa tuỷ. Việc chữa tuỷ cho bé đơn giản, nên có thể làm rất nhanh, tuy nhiên cần sự kiên nhẫn với các bé.

Nếu em ở Sài Gòn thì có thể vào bộ môn Răng Trẻ Em, Khoa Răng Hàm Mặt, ĐH Y Dược TP.HCM, gặp thầy Phan Ái Hùng là chuyên gia giải quyết những ca này.

Câu hỏi 2

Người hỏi: Dương Trà Mi – Ngày hỏi: 7/4/2014

Tham gia tư vấn: BS. Lâm Đại Phong

Câu hỏi

Chào các bác sĩ, em muốn hỏi vấn đề liên quan đến răng của bé ạ.

Bé nhà em năm nay 7 tuổi, đến tuổi thay răng rồi ạ, thường em cho bé nhà em đi khám răng định kỳ 3-4 tháng 1 lần để kiểm tra xem có vấn đề gì bất thường không. Đợt trước hai răng cửa dưới của bé lung lay khi đi khám thì bác sĩ khuyên là nên chủ động nhổ, hai răng cửa trên cũng tương tự như vậy, khi nhổ bác sĩ có tiêm thuốc tê vào lợi sau đó dùng kềm nhổ. Nhưng có nhiều lời khuyên là chỉ cần xịt thuốc tê và việc chủ động nhổ như vậy có đúng và cần thiết không ạ, hay là nên để răng tự lung lay đến khi nào tự rụng và khi tiêm thuốc tê như vậy có ảnh hưởng gì đến bé không? Vì bác sĩ nha giải thích cho em là chủ động nhổ khi răng lung lay để tránh trường hợp răng khác mọc chèn lên.

Em hỏi vì nhà em còn một bé nữa cũng sắp đến tuổi thay răng rút kinh nghiệm cho bé sau. Em cám ơn các BS đã lắng nghe và tư vấn ạ!

Trả lời

Xin chào bạn. Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi trong Group Nhi khoa. Về việc có gây tê khi nhổ hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào tình huống lâm sàng/trường hợp cụ thể. Bác sĩ sẽ cân nhắc và đưa ra những đề nghị hợp lý. Trong trường hợp răng lung lay nhiều, đơn giản chỉ cần thoa/xịt thuốc tê là có thể lấy ra dễ dàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp răng sữa của bé không lung lay nhiều, nhưng cần khoảng trống để răng vĩnh viễn mọc lên, thì khi đó cần chủ động nhổ.

Về thuốc tê, cho đến thời điểm này vẫn được xem là an toàn và có thể sử dụng cho trẻ nhỏ.

Hi vọng có thể giải đáp được phần nào thắc mắc của bạn. Thân mến!

Câu hỏi 3

Người hỏi: Nguyễn Thị Thu Thủy – Ngày hỏi: 2/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Lâm Đại Phong

Câu hỏi

Suốt 5 năm nay mình rất buồn mỗi khi ai nhắc tới răng của con trai. Bé nhà mình vừa bị sâu và sún cụt tận lợi gần hết cả hai hàm. Đến nay cháu 7 tuổi đã thay hai răng cửa hàm dưới nhưng hai răng cửa hàm trên chưa có dấu hiệu mọc. Vậy xin hỏi có cần cho cháu đi đào chân răng không hay cứ để mọc tự nhiên ą? Nên bảo vệ cho những chiếc răng mới mọc như thế nào là tốt nhất để cháu có một hàm răng đẹp, có thể cười tự nhiên như bao bạn bè cùng trang lứa? Mình xin trân trọng cảm ơn các bác sĩ!

Hình ảnh răng bé

Trả lời

So với các bạn thì tuổi mọc răng của cháu hơi trễ, tuy nhiên, bạn chịu khó theo dõi thêm khoảng 3 tháng nữa. Mình thấy ở vị trí răng cửa mầm răng nhô lên khá rõ, hi vọng bạn ấy sẽ sớm xuất hiện để mẹ và bé hết lo lắng.

Tuy nhiên, ở cháu có vấn đề đáng ngại cần quan tâm hơn là tình trạng sâu răng khá nhiều. Đề nghị mẹ và bé nên có biện pháp thích hợp để ngăn ngừa tình trạng này. Việc trước tiên là nên kiểm tra lại cách chải răng của em đã đúng và sạch chưa? Số lần chải răng có đúng sau mỗi bữa ăn không? (ít nhất 3 lần/ngày). Chế độ ăn uống có nhiều chất gây sâu răng hay không? Tức là, ăn nhiều bánh ngọt, kẹo, uống nước ngọt như coca, pepsi… Ngoài ra, cần xem cháu có ăn đủ các loại thức ăn tốt cho răng như: rau, củ quả, thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa…hay không?

Chúc cháu sẽ sớm hết sâu răng và có 1 hàm răng sạch, đẹp.

Câu hỏi 4

Người hỏi: Thu Phan – Ngày hỏi: 25/4/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bác sĩ ơi. Cho em hỏi bé nhà em được 7 tháng 24 ngày rồi nhưng chưa mọc cây răng nào cả. Giờ thì bé gặp chỗ nào cũng vịn để đứng .Như vậy bé có thiếu Canxi không ạ?

Trả lời

Chào chị. Trẻ giai đoạn này đã tự vịn đứng thì không thiếu Canxi.

Bé của chị có thể mọc răng chậm do cơ địa. Sau này, bé sẽ mọc răng “bù”, mọc một lúc 4-5 cái. Chị nên tiếp tục phơi nắng sáng cho bé, cho bé gậm ruột bánh mì, bánh quy, ăn lợn cợn để kích thích nướu răng.

Giai đoạn mọc răng: Răng sữa mọc trong thời gian từ 6 tháng tuổi đến 30 tháng tuổi. Tuỳ từng trẻ mà bộ răng sữa mọc xong lúc 2-3 tuổi. Răng mọc theo nguyên tắc số 4: khoảng tháng T7 thì mọc răng cửa, T11 mọc đủ 4 răng cửa, T15 mọc đủ 8 răng cửa, T19 mọc thêm 4 răng hàm nhỏ, T23 mọc thêm 4 răng nanh, T27 mọc thêm 4 răng số 5 (đủ 20 răng).

Các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc từ 6 tuổi đến 12 tuổi trừ răng khôn thì mọc muộn hơn khoảng sau 17 tuổi.

Câu hỏi 5

Người hỏi: Ngo Hong Tien – Ngày hỏi: 31/5/2015

Tham gia tư vấn: BS. Lâm Đại Phong vs BS. Quynh Anh Nguyen vs BS. Nguyễn Thị Hoàng Yến

Câu hỏi

Chào bác sĩ, bé nhà em 30 tháng bị sâu răng sữa thì phải làm sao ạ?

Trả lời

BS. Lâm Đại Phong

Chào chị. Mặc dù răng sữa sẽ được thay bằng răng vĩnh viễn trong tương lai, nhưng trong lúc chờ đến tuổi thay răng mới, răng sữa vẫn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng. Cho nên việc giữ 1 hàm răng sữa tốt là đều cần thiết.

Trong trường hợp này, chị nói sâu, nhưng không biết sâu mức độ như thế nào, răng nào? Nên rất khó tư vấn chính xác được. Cho nên theo mình nghĩ chị nên đưa bé đến khám ở chuyên khoa Răng trẻ em, của ngành Răng Hàm Mặt để được bác sĩ cho lời khuyên rõ hơn. Song đó, nếu được, chị cũng nên chăm sóc răng bé kĩ hơn, để ngăn ngừa diễn tiến của răng sâu (nếu có).

Trao đổi thêm

Bé bị sâu răng hàm dưới bên trái tính từ trong ra ngoài là răng số 2. Đã bị 1 chấm đen trên răng rồi.

BS. Quynh Anh Nguyen

Theo như bạn mô tả thì bé sâu răng 74, răng này sẽ thay lúc bé khoảng 10 tuổi nên bạn phải cố gắng giữ răng này cho lúc bé đến tuổi đó. Nếu chỉ bị chấm đen, chưa đau nhức gì thì hy vọng trám được nhưng mình không chắc lắm vì răng sữa của em bé có men ngà mỏng, tủy rộng nên sâu răng rất dễ dẫn đến viêm tủy. Bạn cần đem bé đến phòng khám Răng hàm mặt để khám, có hướng xử trí kịp thời. Và sau này cố gắng 6 tháng dẫn bé đi khám răng, vệ sinh răng 1 lần vừa phát hiện sâu răng sớm dễ xử lý, vừa cho bé làm quen với phòng khám để sau này cần những điều trị phức tạp hơn như nhổ răng sữa, chỉnh hình răng … thì bé hợp tác dễ dàng hơn.

BS. Nguyễn Thị Hoàng Yến

Chào chị Tiến, như thế răng mà cháu có vấn đề là răng cối sữa. Răng này theo như chị Quynh Anh nói thì sẽ thay lúc trẻ tầm 10-11 tuổi, hiện cháu mới 30 tháng thôi.

Do không thể khám trực tiếp cho bé nên khó để có chẩn đoán chính xác. Nhưng theo chị mô tả, cháu đã bị chấm đen trên răng. Khả năng cao là đã có sâu nhưng mà ngừng tiến triển, vì chỉ mới là chấm thôi chứ chưa phải lỗ. Nếu thế thì cách tốt nhất như các BS tư vấn là chải răng cho cháu thật kĩ. Độ tuổi này mà tới nha sĩ thì đa phần là các cháu sợ và không hợp tác. Thêm nữa mới chỉ đốm đen thì các bác sĩ cũng chỉ sẽ tư vấn và không can thiệp gì.

Về chải răng, chị nên chải trực tiếp cho cháu, cháu ngang độ tuổi này chưa thế chải sách được. Chị nên dùng kem đánh răng dành cho trẻ con, hầu hết kem ở Việt Nam hiện tại đã có Flour rồi. Chị dùng lượng kem nhỏ hơn hạt đậu xanh để chải cho cháu.

Quan trọng nữa đó là tập cho cháu thói quen chải răng, làm thế nào để cháu tạo được thói quen tốt là chưa chải răng thì không thể đi ngủ được.^^

Chúc cháu có hàm răng khoẻ.

Câu hỏi 6

Người hỏi: Huệ Hà – Ngày hỏi: 12/6/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Câu hỏi

Bé nhà em 10 tháng, 11kg, 74cm. Gần 9 tháng rưỡi bé mới mọc 2 răng dưới, đến nay chưa thêm cái răng nào. Nhờ bác sĩ tư vấn dùm trường hợp bé nhà em. Bé nhà em có nên bổ sung Canxi không ạ.

Trả lời

Chào chị, bé 10 tháng với cân nặng 11kg, cao 74cm như vậy là đạt chuẩn bình thường!

Chị nên tiếp tục phơi nắng sáng cho bé, cho bé gậm ruột bánh mì, bánh quy, ăn lợn cợn để kích thích nướu răng.

Giai đoạn mọc răng: Răng sữa mọc trong thời gian từ 6 tháng tuổi đến 30 tháng tuổi. Tuỳ từng trẻ mà bộ răng sữa mọc xong lúc 2-3 tuổi. Răng mọc theo nguyên tắc số 4: khoảng tháng T7 thì mọc răng cửa, T11 mọc đủ 4 răng cửa, T15 mọc đủ 8 răng cửa, T19 mọc thêm 4 răng hàm nhỏ, T23 mọc thêm 4 răng nanh, T27 mọc thêm 4 răng số 5 (đủ 20 răng). Các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc từ 6 tuổi đến 12 tuổi trừ răng khôn thì mọc muộn hơn khoảng sau 17 tuổi.

Chị nên cho cháu sưởi nắng 20-30ph/ngày trước 9am. Uống vitamin D 400 – 800UI/ngày nhé!

Chúc cháu luôn khoẻ!

Câu hỏi 7

Người hỏi: Huy Hoàng – Ngày hỏi: 6/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Nguyễn Hữu Châu Đức vs BS. Lâm Đại Phong

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi. Con em được hơn 8 tháng, hiện tại cháu chưa mọc răng nào. Mà em thấy các bé cùng tháng đã có 5-6 cái. Vậy bé nhà em có bị thiếu chất hay bị sao không ạ. Em cám ơn bác sĩ.

Trả lời

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức

Chào chị, cháu phát triển bình thường và không thiếu chất nếu đạt được một số mốc nhất định khi trẻ đạt 8 tháng tuổi như sau

  • Trí thông minh
    • Nhận ra người và vật ở khoảng cách xa.
    • Thử nghiệm về sự tồn tại của các vật thể (người và vật dù có nhìn thấy được hay không thì vẫn đang tồn tại).
    • Tò mò và cố gắng với lấy những vật ngoài tầm tay.
    • Tìm kiếm những vật bị đánh rơi.
    • Tự gán ý nghĩa cho một số khung cảnh, âm thanh và điệu bộ; sẵn sàng để học ngôn ngữ cử chỉ của trẻ nhỏ.
    • Bắt đầu hiểu rằng người và vật đều có tên riêng.
    • Đoán trước những trình tự sự việc quen thuộc (ví dụ như mở vòi nước có nghĩa là đã đến giờ tắm).
  • Kỹ năng giao tiếp
    • Tìm kiếm và phản ứng lại với các âm thanh đến từ những vật ngoài tầm mắt.
    • Bập bẹ những từ ngữ hoàn chỉnh kết hợp cả nguyên âm và phụ âm như b-a b-a b-a, d-a d-a, m-a m-a.
    • Bắt chước các cuộc trò chuyện kiểu luân phiên (bạn nói – trẻ bi bô trả lời và ngược lại).
    • Có thể sẵn sàng để học một vài ngôn ngữ cử chỉ của trẻ nhỏ.
  • Kỹ năng vận động
    • Luyện tập sử dụng ngón cái và ngón trỏ để nhặt các vật (theo kiểu gọng kìm).
    • Chuyển một vật từ tay này sang tay kia.
    • Có thể cầm mỗi tay một món đồ chơi.
    • Đập các đồ vật vào nhau, lên trên mặt bàn hoặc sàn nhà.
    • Có thể tự đưa thức ăn vào miệng được mặc dù còn khá vụng về.
    • Bắt đầu uống nước bằng ly.
    • Tự ngồi không cần hỗ trợ.
    • Có thể với tay lấy đồ khi đang ngồi.
    • Có thể bò, quỳ bằng đầu gối, trườn lui về phía sau và lăn lộn.
    • Dồn trọng lượng cơ thể lên chân khi được giữ ở tư thế đứng.
  • Cảm xúc
    • Phân biệt được người thân và người lạ.
    • Xấu hổ hoặc sợ hãi khi gần người lạ.
    • Thích chơi trò “ú òa” và một số trò chơi đơn giản khác.

BS. Lâm Đại Phong

Xin chào chị. Về tuổi mọc răng của bé, chiếc răng mọc đầu tiên thường dao động trung bình từ 6-8 tháng. Tuy nhiên, có nhiều bé mọc sớm hơn, và nhiều bé lại mọc trễ hơn. Trễ đến lúc bé đuọc 10-15 tháng cũng không được xem là bất thường. Ngoài ra, nếu được chị có thể chụp hình vùng răng cửa hàm trên và hàm dưới để mình xem thử là răng đã nhú lên chưa nhé! Mẹ và bé an tâm về việc mọc răng, chưa nên lo lắng quá!

Câu hỏi 8

Người hỏi: Nguyễn Thị Duyên – Ngày hỏi: 5/7/2015

Tham gia tư vấn: BS. Lâm Đại Phong

Câu hỏi

Mong được các nha sĩ khai sáng.

Trả lời

Chào chị Duyên

  • Tuỳ theo chủng tộc, mà tuổi mọc răng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, người ta vẫn cho ra được con số trung bình của tuổi mọc răng đầu tiên là từ 4-15 tháng. Trước thời gian đó gọi là sớm, sau thời gian đó gọi là muộn. Tuy nhiên, đối với trường hợp được xem là muộn cần đi khám nha sĩ là khi trẻ được 18 tháng tuổi mà chưa có răng đầu tiên. Đối với những răng khác, kế tiếp, thì thời gian trễ được tính là sai lệch 12 tháng so với tuổi mọc răng trung bình.
  • Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ mọc răng chậm: tại chỗ (nướu răng dày, chấn thương, nang…), bệnh toàn thân, suy dinh dưỡng (thiếu chất), di truyền (ở đây chỉ xét trường hợp bình thường, không xét trường hợp bệnh lý)….Tuy nhiên, tôi chỉ đề cặp đến 2 vấn đề phổ biến, cũng trùng với 2 ý chị đã nêu ra.
    • Chậm mọc răng do thiếu chất: Việc thiếu chất không chỉ ảnh hưởng đến răng mà còn nhiều cơ quan khác: cơ, xương…cho nên biểu hiện thường thấy là trẻ bị còi cọc, chậm lớn, vận động thiếu linh hoạt…Không có khả năng thực hiện những vận động của trẻ cùng lứa tuổi. Chị tham khảo thêm các bài viết tại dự án “Chăm sóc trẻ em ” để biết các giai đoạn phát triển của trẻ qua từng tháng. Việc bổ sung vitamin D hay dinh dưỡng sẽ do các bác sĩ Nhi khoa hay các chuyên gia về dinh dưỡng chỉ định.
    • Chậm mọc răng do di truyền: Ở đây được hiểu là bé chậm mọc răng do thừa hưởng gen di truyền từ những người thân trong gia đình. Cho nên, sau khi loại trừ các nguyên nhân, thì nên tìm hiểu những người thân trong gia đình trẻ có ai chậm mọc răng không?

Vài dòng cùng chị. Mong có thể phần nào giải đáp được những thắc mắc nêu trên.

Trân trọng!

Sau khi đọc tất cả các câu hỏi và tài liệu mà chúng tôi đã cung cấp, nếu bạn vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của mình vui lòng đặt câu hỏi tại Group Nhi khoa Y học cộng đồng để được tư vấn.

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích