menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Nấc cục

user

Ngày:

27/07/2018

user

Lượt xem:

1204

Bài viết thứ 02/07 thuộc chủ đề “Triệu chứng bệnh hô hấp”

Từng cơn nấc cục ngắn hay xảy ra và vô hại. Nấc cục dai dẳng (kéo dài hơn 48 giờ) hiếm gặp, nhưng cần được đánh giá về mặt y khoa vì có thể có một bệnh lý tiềm ẩn gây ra nấc cục. Có các phương pháp điều trị khác nhau giúp ngăn chặn nấc cục dai dẳng.

Nấc cục là gì?

Nấc cục là gì

Nấc cục gây ra bởi sự co đột ngột của cơ hoành. Cơ hoành là một cơ ngay dưới phổi, giúp chúng ta hít vào. Phía trên cùng của khí quản (gọi là thanh môn) đóng ngay lập tức sau khi cơ hoành co rút tạo ra âm thanh ‘hic’ điển hình.

Nấc cục là một hành động tự động của cơ thể mà không thể kiểm soát (một phản xạ). Tuy nhiên, không giống như các phản xạ khác chẳng hạn như ho và hắt hơi, nấc cục dường như không có ích gì.

Người nào bị nấc cục?

Nấc cục rất phổ biến, ảnh hưởng đến nữ và nam như nhau, mặc dù nấc cục dai dẳng thường xảy ra nhiều hơn ở nam giới. Chúng xảy ra chủ yếu vào buổi tối.

Từng cơn nấc cục ngắn

Đa số mọi người có những cơn nấc cục bất cứ lúc nào. Trong hầu hết các trường hợp, chúng xảy ra mà không có lý do rõ ràng, kéo dài một thời gian ngắn rồi ngưng. Nấc cục có thể do:

  • Phấn khích đột ngột hoặc căng thẳng tinh thần.
  • Dạ dày bị đầy tạm thời do ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh, dùng đồ uống có ga, hoặc nuốt không khí.
  • Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ (sử dụng thức ăn hay đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh, tắm nước lạnh… ).
  • Uống rượu.
  • Hút thuốc lá nhiều.

Điều trị cơn nấc cục ngắn

Đa số các trường hợp không cần điều trị vì một cơn nấc cục thường hết ngay.

Có nhiều biện pháp phổ biến để ngăn chặn một cơn nấc cục ngắn nhưng chúng được dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Các biện pháp này chưa rõ là có hiệu quả ra sao, vì chưa được kiểm chứng qua các nghiên cứu. Gồm có:

  • Đầu tiên, chặn mọi đường hô hấp bằng cách bịt lỗ mũi của bạn. Sau đó, phải uống một hoặc hai ngụm nước liên tục. Bạn có thể làm điều này một mình (có vẻ hơi ngớ ngẩn) nhưng bạn có thể thực hiện dễ dàng hơn với sự giúp đỡ của người khác.
  • Uống một ngụm nước đá.
  • Nuốt đường cát.
  • Cắn vào một trái chanh hoặc nếm giấm.
  • Nín thở, hoặc thở nhanh, hoặc thở vào một túi giấy.
  • Thở hổn hển sau khi sợ hãi đột ngột hoặc hắt hơi.
  • Kéo đầu gối lên đến ngực của bạn và/hoặc nghiêng mình về phía trước để ép ngực.
  • Sử dụng một kỹ thuật gọi là thủ thuật Valsalva (thủ thuật Valsalva có nghĩa là cố gắng đẩy hơi thở ra trong khi bạn giữ cổ họng và thanh quản của bạn đóng lại). Cách thực hiện là hít vào một hơi thật sâu, sau đó giữ hơi lại trong khi các cơ cố gắng như đẩy hơi ra ngoài. Cách này giống như rặn khi sinh con hay khi đi vệ sinh.

Nấc cục dai dẳng

Nấc cục dai dẳng là nấc cục kéo dài hơn 48 giờ (hiếm khi xảy ra)

  • Trong một số trường hợp, nấc cục dai dẳng là do một bệnh lý tiềm ẩn. Hơn 100 bệnh lý đã được ghi nhận gây ra nấc cục. Một số bệnh rất phổ biến như trào ngược acid và một số rất hiếm. Bệnh nhân thường có những triệu chứng khác ngoài nấc cục.
  • Một số trường hợp nấc cục dai dẳng không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, nấc cục dai dẳng có thể làm cho bệnh nhân trở nên mệt mỏi và phiền muộn.

Một số tình trạng có thể gây ra nấc cục dai dẳng là:

  • Sử dụng một số loại thuốc, ví dụ như steroid, các thuốc an thần, thuốc giảm đau có chứa opiate (như morphin) và methyldopa (thuốc điều trị tăng huyết áp).
  • Những thay đổi hóa học trong máu như do rượu, đường huyết cao, thiếu canxi hoặc kali trong máu.
  • Các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược acid, căng chướng dạ dày, viêm túi mật hoặc nhiễm trùng dưới cơ hoành.
  • Gây mê toàn thân.
  • Các tình trạng ảnh hưởng đến vùng cổ, ngực hoặc bụng. Ví dụ như phẫu thuật, nhiễm trùng (như viêm họng hoặc viêm phổi), sưng nề hoặc các khối u ở các cơ quan này.
  • Bệnh lý tim mạch – nhồi máu cơ tim hoặc viêm quanh tim.
  • Bệnh lý của não như đột quỵ, chấn thương đầu hay nhiễm trùng não.
  • Nấc cục đôi khi xảy ra trong giai đoạn cuối của bệnh nan y như ung thư tiến triển.

Nếu bạn bị nấc cục dai dẳng

Nếu bạn bị nấc cục kéo dài hơn 48 giờ (hoặc bạn thường xuyên có những cơn nấc cục ngắn tái phát), bạn nên gặp bác sĩ để tầm soát nguyên nhân. Nếu nguyên nhân không rõ ràng, bác sĩ có thể thăm khám và làm một số xét nghiệm. Nếu tìm thấy nguyên nhân, việc điều trị nguyên nhân này có thể giúp hết nấc cục. Ví dụ, một nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiều người bị nấc cục dai dẳng có bệnh lý về tiêu hóa được gọi là trào ngược acid. Điều trị trào ngược giúp ngăn chặn nấc cục trong nhiều trường hợp.

Những xét nghiệm cần thiết cho nấc cục dai dẳng?

Các xét nghiệm ban đầu thường là xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG) và chụp X-quang ngực. Các xét nghiệm này tìm các thay đổi như sinh hóa máu, các vấn đề ở ngực hoặc bệnh tim.

Các xét nghiệm khác có thể được tư vấn tùy thuộc vào tình trạng cá nhân và khi nghi ngờ bất cứ bệnh lý nào khác.

Phương pháp điều trị nấc cục dai dẵng

Trước hết, hãy thử một trong những biện pháp phổ biến được dùng để điều trị cơn nấc cục ngắn (như giải thích ở trên). Ngoài ra, điều trị các bệnh lý tiềm ẩn nếu có thể.

Thứ hai, đôi khi cần sử dụng thuốc để chấm dứt nấc cục dai dẳng. Có nhiều loại thuốc được dùng để điều trị. Các loại thuốc sau đây có thể được sử dụng để điều trị nấc cục ở người lớn (đối với trẻ em, nên có bác sĩ tư vấn):

  • Chlorpromazine hay haloperidol là các loại thuốc có thể giãn cơ hoành hoặc dây thần kinh chi phối của nó và có thể chấm dứt nấc cục dai dẳng.
  • Đối với vấn đề dạ dày như trào ngược acid hoặc căng chướng dạ dày: các loại thuốc chống acid (nhiều loại như omeprazole hoặc ranitidin) hoặc thuốc làm dạ dày rỗng nhanh hơn (metoclopramide).
  • Baclofen – thuốc giúp giãn cơ.
  • Gabapentin – giúp giảm kích thích các dây thần kinh chi phối cho cơ hoành.
  • Ketamine – một thuốc gây mê tĩnh mạch – có thể hiệu quả khi các điều trị khác đã thất bại.
  • Metoclopramide tiêm tĩnh mạch đã được ghi nhận giúp chữa nấc cục xảy ra sau gây mê.
  • Đối với những người mắc bệnh nan y, thuốc an thần như midazolam có thể giúp kiểm soát nấc cục và giảm bớt căng thẳng mà chúng gây ra.

Bệnh nhân nấc cục dai dẳng nên được giới thiệu đến bác sĩ để tìm nguyên nhân, hoặc để có thêm lựa chọn điều trị. Một số ví dụ về các phương pháp điều trị đã được sử dụng thành công cho nấc cục dai dẳng là:

  • Châm cứu hoặc thôi miên.
  • Một thiết bị tương tự như máy tạo nhịp tim. Thiết bị này được sử dụng để kích thích dây thần kinh hoành hoặc kích thích dây thần kinh quan trọng khác ở cổ (dây thần kinh phế vị hay dây thần kinh lang thang).

Nếu nấc cục vẫn tiếp tục xảy ra mặc dù đã điều trị, đôi khi cần phong bế dây thần kinh hoành. Phương pháp này làm gián đoạn dây thần kinh hoành – ví dụ tiêm thuốc tê tại chỗ gần dây thần kinh. Tuy nhiên, cách điều trị này cần được cân nhắc một cách cẩn thận: nó đem lại nguy cơ vì dây thần kinh hoành rất quan trọng đối với hô hấp.

Nấc cục có biến chứng nào không?

Các cơn nấc cục ngắn thường không gây ra vấn đề hay biến chứng gì.

Nấc cục dai dẳng có thể gây các biến chứng như mệt mỏi, kiệt sức, ngủ kém. Chúng cũng gây ra phiền muộn về mặt tâm lý. Đối với những người mới được phẫu thuật vùng bụng, nấc cục dai dẳng có thể làm chậm lành vết mổ, vì nấc cục làm di động cơ thành bụng. Vấn đề này làm tăng nguy cơ biến chứng ở vết mổ.

Tài liệu tham khảo

http://patient.info/health/hiccups-hiccoughs

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích