menu toggle

Danh sách các chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Chẩn đoán và điều trị viêm gan siêu vi

user

Ngày:

04/10/2018

user

Lượt xem:

1663

Bài viết thứ 04/06 thuộc chủ đề “Các bệnh Nội tiêu hóa”

Làm sao chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi?

Chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi (VGSV) dựa trên triệu chứng của bệnh nhân, thăm khám của bác sĩ và các xét nghiệm máu như men gan, kháng thể virus và chất liệu di truyền của virus.

Triệu chứng cơ năng và thực thể

Chẩn đoán viêm gan siêu vi cấp thường là dễ dàng hơn viêm gan siêu vi mạn.

Khi người bệnh có các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, tiểu sậm màu và vàng da, chẩn đoán VGSV cấp có thể được nghĩ đến và khẳng định qua các xét nghiệm máu.

Mặt khác, bệnh nhân nhiễm HBV (virus viêm gan B) hoặc HCV (virus viêm gan C) mạn tính thường không có triệu chứng hay chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ không đặc hiệu như mệt mỏi kéo dài. Các bệnh nhân này thường không có vàng da cho đến khi tổn thương gan đã tiến triển nên họ có thể không được chẩn đoán bệnh trong nhiều năm đến hàng thập kỷ.

Xét nghiệm máu

Có ba loại xét nghiệm máu dùng để chẩn đoán viêm gan: men gan, kháng thể virus viêm gan và protein hoặc chất liệu di truyền của virus (DNA hoặc RNA).

Men gan

Tên khác là aminotransferase, đây là một trong những xét nghiệm nhạy và phổ biến nhất để chẩn đoán viêm gan. Men gan bao gồm aspartate aminotransferase (AST hoặc SGOT) và alanine aminotransferase (ALT hoặc SGPT), thường được chứa bên trong tế bào gan. Khi tế bào gan bị tổn thương, chúng phát tán các men này vào máu, làm tăng hàm lượng men gan trong máu vào báo hiệu rằng gan đang bị tổn thương.

Trị số bình thường của AST là từ 5 đến 40 đơn vị trong mỗi lít huyết thanh, của ALT là từ 7 đến 56 (thay đổi tùy phòng xét nghiệm). Bệnh nhân nhiễm VGSV cấp (như HAV hoặc HBV) có thể có hàm lượng AST và ALT rất cao, đôi khi đến cả ngàn đơn vị trong một lít. Các giá trị này có thể trở về bình thường sau vài tuần đến vài tháng khi bệnh nhân phục hồi hoàn toàn.

Ngược lại, người nhiễm HBV hoặc HCV mạn thường chỉ tăng men gan nhẹ, nhưng tình trạng này kéo dài nhiều năm. Do phần lớn các bệnh nhân này không có triệu chứng nên bất thường trong xét nghiệm men gan của họ thường chỉ được phát hiện qua đi khám sức khoẻ định kỳ.

Tăng AST và ALT trong máu có nghĩa rằng có tình trạng viêm gan và có thể bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác ngoài siêu vi như thuốc, rượu, vi trùng, nấm,… Để chứng minh rằng siêu vi viêm gan làm tăng men gan, ta cần phải tìm thấy kháng thể và chất liệu di truyền của chúng trong máu.

Kháng thể virus viêm gan

Kháng thể là các chất được tạo ra bởi bạch cầu, chúng tấn công các tác nhân xâm nhập cơ thể như vi trùng và virus. Kháng thể kháng virus viêm gan siêu vi A, B, C có thể được phát hiện trong máu sau khi mới nhiễm vài tuần và tồn tại trong máu nhiều năm sau. Xét nghiệm kháng thể giúp ích cả trong chẩn đoán VGSV cấp và mạn.

Trong VGSV cấp, kháng thể không những tiêu diệt virus mà còn bảo vệ cơ thể không bị nhiễm chính virus này trong tương lai, có nghĩa là bệnh nhân đã có miễn dịch. Tuy nhiên trong VGSV mạn, kháng thể và các thành phần còn lại của hệ miễn dịch không thể tiêu diệt được virus. Virus tiếp tục nhân lên và đi vào máu, nơi mà sự tồn tại của chúng được phát hiện qua định lượng protein và chất liệu di truyền virus. Vậy nên trong VGSV mạn, cả kháng thể kháng virus, protein và chất liệu di truyền của virus có thể được phát hiện trong máu.

Các xét nghiệm kháng thể kháng virus bao gồm:

  • Anti-HAV (kháng thể kháng virus viêm gan A);
  • Kháng thể kháng nhân của HBV, chống lại phần lõi của virus (kháng nguyên lõi);
  • Kháng thể chống lại bề mặt của HBV, chống lại phần vỏ virus (kháng nguyên vỏ);
  • Kháng thể chống HBVe (tác nhân di truyền của HBV);
  • Kháng thể kháng HCV.

Protein và chất liệu di truyền của virus

Bao gồm

  • Kháng nguyên bề mặt HBV;
  • DNA của HBV;
  • Kháng nguyên e của HBV;
  • RNA của HCV.

Các xét nghiệm khác

Tắc đường dẫn mật do sỏi hoặc khối u có thể có các biểu hiện tương tự VGSV cấp. Siêu âm bụng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân này.

Điều trị viêm gan siêu vi như thế nào?

Điều trị VGSV cấp và mạn là khác nhau.

  • Điều trị VGSV cấp bao gồm nghỉ ngơi, giảm triệu chứngduy trì đủ dịch cho cơ thể.
  • Điều trị VGSV mạn bao gồm thuốc để tiêu diệt virus và các biện pháp để phòng ngừa tổn thương gan tiến triển.

Điều trị viêm gan cấp

Điều trị của VGSV cấp bao gồm giảm nhẹ các triệu chứng buồn nôn, nôn, đau bụng. Cần phải chú ý đến các loại thuốc hoặc hoạt chất có thể tác dụng xấu lên bệnh nhân đang có bất thường chức năng gan (như acetaminophen, rượu,…).

Chỉ khi cần thiết mới dùng đến thuốc do lúc này gan thải trừ chất độc kém hơn bình thường, thuốc có thể tích luỹ trong máu và đạt tới nồng độ gây độc. Ngoài ra, nên tránh dùng thuốc giảm đau và thuốc an thần vì chúng có thể làm tăng tác động của tình trạng suy gan lên não, dẫn đến hôn mê.

Bệnh nhân cần tránh rượu bia vì đây là chất độc cho gan. Đôi khi cần truyền dịch để đề phòng mất dịch do nôn ói. Bệnh nhân có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn nhiều cần được nhập viện để điều trị.

Viêm gan siêu vi B cấp không cần điều trị thuốc kháng virus. Viêm gan siêu vi C cấp – dù ít gặp – có thể điều trị với một số thuốc trong bệnh viêm gan siêu vi C mạn. Điều trị VGSV C được khuyến cáo cho 80% số bệnh nhân không thể tự tiêu diệt virus sớm. Điều trị sẽ làm sạch lượng virus ở phần lớn bệnh nhân.

Điều trị viêm gan mạn

Điều trị viêm gan siêu vi B và C mạn bao gồm thuốc để tiêu diệt virus. Các bác sĩ tin rằng trong một số bệnh nhân phù hợp, tiêu diệt thành công virus có thể ngừng quá trình tổn thương gan và phòng ngừa xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Bia rượu làm nặng hơn tình trạng tổn thương gan trong VGSV mạn và diễn tiến nhanh hơn đến xơ gan.Vì vậy,bệnh nhân viêm gan mạn cần phải kiêng bia rượu. Hút thuốc lá cũng có thể làm nặng thêm bệnh gan nên bệnh nhân nên bỏ thuốc lá.

Thuốc điều trị viêm gan siêu vi C mạn bao gồm:

  • Alpha interferon chích (Pegasys)
  • Ribarivin uống (Rebetol, Copegus)
  • Boceprevir uống (Victrelis)
  • Simeprevir (Olysio)
  • Sofosbuvir uống (Sovaldi)
  • Simeprevir uống (Olysio)
  • Daclatasvir uống (Daklinza)
  • Ledipasvir/sofosbuvir uống (Harvoni)
  • Ombitasvir/paritaprevir/ritonavir uống (Technivie)
  • Ombitasvir/paritaprevir/ritonavir/dasabuvir uống (Viekira Pak)

Thuốc điều trị viêm gan siêu vi B mạn gồm có:

  • Alpha interferon chích
  • Lamivudine uống (Epivir)
  • Adefovir uống (Hepsera)
  • Entecavir uống (Baraclude)
  • Telbivudine uống (Tyzeka)
  • Tenofovir uống (Viread)

Nhờ các công trình nghiên cứu và phát triển thuốc kháng virus mới liên tục, danh sách thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và C mạn có thể thay đổi mỗi năm. Nhiều thuốc đang lưu hành hiếm được dùng vì có các thuốc khác mới, an toàn và hiệu quả hơn.

Quyết định điều trị VGSV mạn có thể phức tạp và cần tới bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá, gan hoặc truyền nhiễm vì các lý do sau:

  • Chẩn đoán VGSV mạn đôi khi không dễ dàng và phải cần tới sinh thiết gan để khẳng định tổn thương gan. Bác sĩ có kinh nghiệm điều trị viêm gan mạn cần cân nhắc giữa lợi ích và các tác hại có thể có của sinh thiết gan.
  • Không phải mọi bệnh nhân VGSV mạn đều cần tới điều trị (chẳng hạn một số người bệnh VGSV B hoặc C mạn không có tổn thương gan tiến triển hoặc ung thư gan).
  • Thuốc điều trị VGSV B hoặc C mạn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đôi khi cần kéo dài thời gian điều trị (trên 6 tháng) và ngay cả trong trường hợp này, tỉ lệ điều trị thành công thường thấp (ít hơn 80%, thường xung quanh 50%).
  • Nhiều loại thuốc như interferon và ribavirin có tác dụng phụ nặng nề và cần giảm liều.
  • Siêu vi viêm gan C có nhiều dòng đáp ứng khác nhau với thuốc. Ví dụ, viêm gan C type 3 đáp ứng với chích interferon và ribavirin tốt hơn type 1. Một số dòng viêm gan B kháng với lamivudine nhưng nhạy với adefovir hoặc entecavir.

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây cho thấy kết hợp một số thuốc kháng virus có thể chữa khỏi nhiều bệnh nhân nhiễm VGSV C mạn.

Viêm gan tối cấp

Bệnh nhân viêm gan tối cấp cần được điều trị tại những trung tâm có thể ghép gan vì tỉ lệ tử vong cao (80%) nếu không ghép gan.

Tài liệu tham khảo

  1. Medically reviewed by Robert Cox, MD; American Board of Internal Medicine with subspecialty in Infectious Disease
  2. Viral Hepatitis.
  3. Hepatitis C FAQs for the Public.
  4. Surveillance for Viral Hepatitis – United States, 2012.
  5. Hepatitis B Medication.
  6. Hepatitis C Medication.
  7. Viral Hepatitis.
  8. GB virus C (hepatitis G) infection.
  9. Hepatitis B: Are you at risk?
  10. Hepatitis B.
keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích