menu toggle
list list 0
Đã thích Thích

Mất nước ở bệnh nhân ung thư

user

Ngày:

27/05/2017

user

Lượt xem:

1459

Bài viết thứ 29/83 thuộc chủ đề “Xử trí giảm nhẹ triệu chứng và tác dụng phụ”

Mất nước hay thiếu nước xảy ra khi cơ thể không được nhận đủ nước hoặc mất quá nhiều nước mà không thể bù ngay được. Cơ thể không thực hiện tốt các chức năng nếu thiếu nước bởi vì các tế bào và các hệ cơ quan đều phụ thuộc vào nước. Nước có những vai trò quan trọng như sau:

  • Loại bỏ các chất thải và chất độc;
  • Vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy;
  • Điều hòa nhịp tim và huyết áp;
  • Điều hòa nhiệt độ cơ thể (thân nhiệt);
  • Làm nhờn khớp;
  • Bảo vệ mô và các cơ quan, bao gồm cả mắt, tai và tim;
  • Sản xuất nước bọt.

Mất nước

Con người có thể tồn tại một thời gian dài mà không ăn nhưng không thể sống nếu thiếu nước vài ngày. Bệnh nhân đang điều trị ung thư có nguy cơ bị mất nước cao hơn do các tác dụng phụ như nôn óitiêu chảy.

Dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng mất nước

Thời gian thiếu nước càng kéo dài thì tình trạng mất nước càng trầm trọng. Mặc dù khát nước là một triệu chứng báo hiệu rằng bạn nên uống thêm nước, các triệu chứng khác của mất nước bao gồm:

  • Miệng khô, dính hoặc lưỡi sưng;
  • Mệt mỏi hoặc đuối sức;
  • Dễ cáu kỉnh;
  • Hoa mắt, chóng mặt;
  • Buồn nôn;
  • Đau đầu;
  • Táo bón;
  • Da khô;
  • Sụt cân;
  • Tiểu sẫm màu hay tiểu ít.

Bệnh nhân bị mất nước nặng cần được can thiệp điều trị ngay vì tình trạng này có thể đe dọa tính mạng. Các triệu chứng mất nước nặng bao gồm:

  • Khát nước cực độ;
  • Sốt;
  • Tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực;
  • Không mắc tiểu hơn 8 tiếng;
  • Mắt trũng;
  • Không tiết mồ hôi;
  • Không có nước mắt;
  • Huyết áp thấp;
  • Lơ mơ (confusion) và mất định hướng (disorientation).

Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị và nhóm chăm sóc khi có bất kỳ triệu chứng nào, bao gồm các triệu chứng mới hoặc sự thay đổi các triệu chứng đã có.

Nguyên nhân gây mất nước

Lượng nước trong cơ thể mất đi qua những hoạt động thường ngày như hít thở, đổ mồ hôi hay khi tắm. Đa số chúng ta dễ dàng bù đắp lượng nước mất qua việc ăn uống. Tuy nhiên, một số bệnh trạng ảnh hưởng tới khả năng giữ nước của cơ thể, yêu cầu nỗ lực chủ động bổ sung nước cho cơ thể nhiều hơn. Nếu đợi đến lúc khát mới uống nước thì có thể đã muộn/chưa đủ vì đôi khi cơ thể mất nước mà chưa thấy khát.

Một số nguyên nhân dẫn đến việc mất nước bao gồm:

  • Tiêu chảynôn: tác dụng phụ của hóa trị làm tăng nguy cơ bị mất nước. Nếu có hậu môn nhân tạo (đặc biệt là khi dẫn từ ruột non), cơ thể thường cần nhiều nước hơn nên bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về lượng nước nạp vào hằng ngày.
  • Sốt: sốt cao có thể dẫn đến mất nước. Những bệnh nhân đang điều trị ung thư có nguy cơ bị bệnh nhiễm trùng gây sốt.
  • Tuổi tác: trẻ sơ sinh, trẻ em và người già dễ bị mất nước hơn các nhóm tuổi khác. Trẻ em có trọng lượng nhẹ nhưng nước và chất điện giải lại được cơ thể thải ra liên tục. Càng lớn tuổi, cơ thể càng mất dần khả năng giữ nước. Người trung niên và người già dễ bị mất nước vì họ ít khi cảm thấy khát nước, và không ăn uống đầy đủ, nhất là khi sống một mình. Đau ốm, bệnh tật/thương tật hay một số loại dược phẩm cũng có thể là nguyên nhân mất nước.
  • Bệnh mạn tính: Nhiều bệnh có thể làm tăng nguy cơ mất nước và/hoặc làm cơ thể tăng nhu cầu sử dụng nước. Ví dụ, nếu kiểm soát không tốt bệnh đái tháo đường, bệnh nhân thường đi tiểu liên tục. Bệnh thận cũng có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
  • Dược phẩm: Một số loại thuốc có thể làm bệnh nhân đi tiểu hoặc đổ mồ hôi nhiều hơn. Vì thế, bệnh nhân nên hỏi ý bác sĩ trước khi dùng thuốc.
  • Mất dịch: Những bệnh nhân đang được đặt ống dẫn lưu có nguy cơ bị mất nước cao hơn. Họ cần uống nhiều nước hơn để bù lại.
  • Môi trường: Sinh sống, làm việc và tập thể dục ở môi trường nóng hoặc ẩm sẽ làm tăng nhu cầu bổ sung nước. Những người sống ở độ cao từ 8,000 đến 12,000 feet (tương đương 2,400 đến 3,600 mét) trên mực nước biển cũng cần uống nhiều nước hơn vì cơ thể mất nhiều nước hơn để lấy oxy.
  • Tập thể dục: mất nước qua việc đổ mồ hôi. Tập thể dục thể thao càng nhiều thì lượng nước cần bổ sung càng lớn.
  • Một số yếu tố khác: Phụ nữ và người bị béo phì sẽ có nguy cơ mất nước cao hơn.

Chẩn đoán mất nước

Bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp để chẩn đoán mất nước:

  • Đo dấu hiệu sinh tồn: nhiêt độ, huyết áp và nhịp mạch.
  • Ấn vào đầu ngón tay. Nếu đầu ngón tay không hồng hào lại ngay thì đó có thể là dấu hiệu mất nước.
  • Nhẹ nhàng véo da trên mu bàn tay, cẳng tay hoặc những vùng da khác. Da chậm trở về trạng thái ban đầu cũng có thể là dấu hiệu mất nước.

Một số xét nghiệm:

  • Xét nghiệm nước tiểu để biết mức độ mất nước hoặc tìm nguyên nhân gây mất nước.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận và các chất điện giải.

Điều trị mất nước

Giảm tác dụng phụ là một phần quan trọng trong chăm sóc và điều trị ung thư. Việc này được gọi là xử trí triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ/xoa dịu hoặc điều trị hỗ trợ. Các phương pháp điều trị thường dựa vào mức độ mất nước.

Đối với những trường hợp mất nước nhẹ:

  • Ngậm kẹo hoặc đá viên nếu ăn uống gặp khó khăn.
  • Bôi chất dưỡng ẩm cho môi khô nứt và thuốc giúp giảm đau vùng miệng để việc ăn uống dễ dàng hơn.
  • Nếu bệnh nhân có thể uống nước, uống thường xuyên từng ngụm nhỏ thay vì uống lượng lớn nước một lần vì có thể gây nôn.
  • Luôn luôn mang theo nước và uống thường xuyên, mỗi lần uống một ngụm nhỏ.
  • Uống một ly nước trước khi đi ngủ và sáng sớm khi vừa thức dậy.
  • Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy: chọn thức uống có nhiều Natri và Kali để bù lượng chất điện giải đã mất.
  • Nếu bệnh nhân mệt mỏi: hãy để đá và nước uống gần tầm tay để không phải đi lấy nước.

Nếu bệnh nhân bị mất nước ở mức độ trung bình và không nôn hoặc tiêu chảy, bác sĩ có thể chỉ định uống các dung dịch bù nước. Đối với trường hợp mất nước nhiều, bệnh nhân cần phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Phòng ngừa mất nước

Sau đây là một số lời khuyên giúp cơ thể duy trì lượng nước cân bằng:

  • Uống nhiều nước. Lượng nước cần thiết mỗi ngày để cơ thể không bị mất nước tùy thuộc vào sức khỏe và lối sống. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết lượng nước cần cung cấp cho cơ thể mỗi ngày. Nếu không thích uống nước lọc, bạn có thể thêm vài lát chanh vào nước hoặc sử dụng nước có hương vị. Một số loại nước khác như sữa, trà và nước trái cây cũng có thể dùng để thay thế.
  • Sử dụng thực phẩm chứa nhiều nước. Mặc dù nước uống là nguồn bổ sung nước tốt nhất, một số loại thực phẩm có hàm lượng nước cao cũng giúp bù nước. Ví dụ: xà lách (95% nước), dưa hấu (92% nước) và bông cải xanh/súp lơ (91% nước). Súp và sữa chua cũng có hàm lượng nước cao.
  • Kiểm soát các tác dụng phụ. Nếu điều trị ung thư kèm theo các tác dụng như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, người bệnh cần báo với bác sĩ để ngăn ngừa hoặc điều trị.
  • Uống nước đều đặn và đầy đủ. Tạo thói quen/ý thức uống nước thường xuyên, và uống nhiều hơn khi bắt đầu cảm thấy trở bệnh, trước khi tập thể dục hoặc trước khi đi ra ngoài dưới thời tiết nóng. Đảm bảo cơ thể đủ nước trước khi bị mất nước.

Tài liệu tham khảo

http://www.cancer.net/navigating-cancer-care/side-effects/dehydration

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích