menu toggle
list list 1
Đã thích Thích

Đừng chết vì xét nghiệm máu tầm soát ung thư

user

Ngày:

21/10/2022

user

Lượt xem:

138

Bài viết thứ 08/09 thuộc chủ đề “Ung thư đại trực tràng”

Đừng chết vì xét nghiệm máu tầm soát ung thư!

Hôm nay mình xin đưa 1 ví dụ phản biện, minh hoạ cơ bản nhất là tầm soát Ung thư đại trực tràng.

Đây là loại ung thư phổ biến thứ 5 tại Việt Nam, đã có nhiều cách phát hiện sớm để chữa hiệu quả nhưng nhiều người còn chưa biết.

Ung thư đại tràng thường hình thành từ trong lòng đại tràng, từ lớp trong cùng còn gọi là niêm mạc. Qua nhiều nghiên cứu, người ta nhận thấy phần lớn ca bệnh có khởi đầu là những Polyp đại tràng, một dạng “tiền ung thư” mà nguy cơ tiến triển thành ung thư tăng dần theo kích thước của polyp.

  • Polyp dưới 5mm: 0.5%
  • Polyp 6-9mm: 4%
  • Polyp 10-19mm: 15%
  • Polyp trên 20mm: 60%!

(Số liệu này cũng cho thấy KHÔNG PHẢI polyp nào cũng là ung thư, mà chỉ những polyp đủ to mới có nguy cơ chuyển thành ung thư)

Như vậy, có thể thấy rằng phát hiện sớm polyp và cắt bỏ chúng là chiến lược mấu chốt để phòng ngừa và điều trị ung thư đại tràng SỚM.

Có vài cách giúp phát hiện polyp và ung thư đại tràng sớm hiệu quả, đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học.

Nhờ hiệu quả làm GIẢM TỈ LỆ TỬ VONG cho người đi tầm soát, những cách làm dưới đây đã được sử dụng đại trà ở Nhật Bản và nhiều nơi còn phát coupon giảm giá để nhiều người trên 40-45 tuổi tiếp cận:

Nội soi toàn bộ đại tràng

Bác sĩ sẽ đưa một dây soi có gắn camera vào lòng ruột, kiểm tra kỹ lưỡng xem có polyp hay “cục u” nào không. Dù cách này khá phiền phức (phải xử lý cho sạch phân và soi có thể hơi đau), nó ưu việt ở ở chỗ có thể kết hợp tầm soát (khảo sát), chẩn đoán và điều trị (cắt bỏ polyp) trong 1 lần xét nghiệm (tùy tình huống có thể bác sĩ phải hẹn lại để xử trí cắt vào hôm khác).

Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân

Phương pháp này dựa trên lý luận khi trong ruột có khối u, những cục phân đi qua va quẹt vào sẽ gây chảy máu. Có thể chảy máu ít thôi, không thấy bằng mắt thường, nhưng xét nghiệm phân đủ nhạy thì có thể phát hiện. Khi xét nghiệm này dương tính (trong phân có tí máu), bác sĩ sẽ khuyên người đó đi nội soi để chẩn đoán xác định.

Tầm soát kiểu này có cái tiện là rẻ tiền, không đau, không cần xử lý lòng ruột nhưng nó không phải là xét nghiệm chẩn đoán ung thư. Ai “dương tính” thì phải đi soi để chẩn đoán chính xác hơn. Nhiều ca nhận kết quả “dương tính” gây lo lắng nhưng xét nghiệm chuyên sâu lại cho thấy viêm ruột hoặc trĩ,… chứ không phải ung thư.

Dù không phải ai dương tính cũng là ung thư, tầm soát theo cách trên thực sự đã giảm nguy cơ tử vong cho người đi tầm soát tới 60-70%.

Xin nói thêm là độ tuổi khuyến cáo đi tầm soát là 40 tuổi (50 tuổi ở một số nước) vì nhiều báo cáo cho thấy tỉ lệ mắc ung thư đại tràng bắt đầu tăng mạnh khi qua mốc này. Tầm 25% người trong độ tuổi 40-50 có polyps đại tràng, và tỉ lệ này tăng lên 35.5% khi qua tuổi 60.

Còn tầm soát bằng xét nghiệm máu đo chất chỉ thị khối u thì sao? Nó có giúp ích gì không?

Khi ung thư tiến triển hơn, nó sẽ xâm lấn hay “ăn sâu” xuống lớp cơ bên dưới, có khi ăn thủng thành đại tràng để lò mặt ra “chào hỏi” cơ quan bên cạnh. Có người u lớn quá làm tắc ruột luôn.

Đối với những trường hợp như vậy, khả năng ung thư xuất hiện trong máu là cao, hoặc ung thư có thể tiết ra một số chất liên quan như CEA, CA19-9 với nồng độ đủ cao để phát hiện qua xét nghiệm máu. Theo một số nghiên cứu, độ nhạy của CEA thay đổi theo giai đoạn, chỉ tầm 21% cho giai đoạn I, 39% ở giai đoạn II và 42% đối với giai đoạn III.

Như vậy, điểm trừ đầu tiên của xét nghiệm này là không đủ nhạy và chúng ta có thể hiểu tại sao nhiều người nhận kết quả CEA ÂM TÍNH nhưng thật ra đã có bệnh ung thư trong người! Tầm soát bằng CEA sẽ làm người ta chủ quan vì…âm tính giả, và mình đã thấy nhiều ca nhập viện vì tắc ruột trong khi CEA hoàn toàn âm tính.

Một điểm trừ khác của chất chỉ thị khối u là nó không hề đặc hiệu cho ung thư đại tràng. Chỉ số CEA có thể tăng ở Ung thư bàng quang, Ung thư vú, Ung thư buồng trứng, Ung thư phổi, Ung thư tuỵ, Ung thư dạ dày, Ung thư tuyến giáp. Nhưng CEA cũng có thể tăng ở các bệnh lành tính khác như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm túi mật, viêm túi thừa, bệnh viêm ruột, Nang vú, hoặc một số bệnh khác ở gan và phổi!

Điều này có nghĩa là nếu CEA dương tính thì bác sĩ sẽ thường chỉ định thêm hàng loạt xét nghiệm để đánh giá “từ đầu tới chân” xem nguyên nhân tăng CEA là ở đâu.

Đối với bệnh nhân có khó khăn tài chính thì đây thực sự là thảm hoạ vì ngoài lo lắng, ảnh hưởng tâm lý, họ sẽ tốn hàng triệu tới hàng chục triệu đồng cho các xét nghiệm như CT cản quang hoặc PET/CT, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, siêu âm bụng,… Chưa kể là các xét nghiệm này sẽ có thể được lặp lại hằng năm vì bệnh nhân khó thoát khỏi ám ảnh từ cái tên “chất chỉ thị ung thư”, dù nó chả có ý nghĩa chỉ thị đặc hiệu gì như từng được kỳ vọng và nghiên cứu rầm rộ 30-40 năm trước.

Với bản năng lo lắng và tò mò, người nhận kết quả “dương tính” thường sẽ đi đo lại định kỳ xem “nó thế nào rồi” và tiếp tục các khảo sát cho tới khi tìm ra nguyên nhân gì đó. Theo một báo cáo từ Hàn Quốc, sau 5-7 năm theo dõi những người có mức CA19-9 tăng cao mà không phải ung thư, người ta ghi nhận gần 50 bệnh bệnh lành tính, mạn tính khác nhau ở gan, phổi, phụ khoa, tụy, tuyến giáp,…có thể giải thích kết quả này, nhưng cũng có tới gần 25% (tức 1/4) không rõ nguyên nhân là gì!

Một số báo cáo khác cho thấy việc sử dụng xét nghiệm máu để tầm soát ung thư làm tăng nguy cơ gặp biến chứng y khoa do chẩn đoán và can thiệp quá mức (không cần thiết). Đó là vì một số bệnh nhân sẽ tình cờ phát hiện ra tổn thương nào đó trong người, phải chọc kim/mổ sinh thiết thêm để chẩn đoán cho rõ ràng mà thủ thuật y tế nào cũng sẽ đi kèm nguy cơ biến chứng.

Xét nghiệm tầm soát là xét nghiệm thực hiện khi KHÔNG CÓ TRIỆU CHỨNG, vì thế phải cẩn thận kẻo biến ngựa lành thành ngựa què!

Vì xét nghiệm máu đo các chất chỉ thị như CEA, CA19-9, SCC,…có nguy cơ dương tính giả, âm tính giả cao và số liệu thực tế cũng cho thấy chúng không giúp người đi tầm soát sống lâu hơn, tất cả các Hiệp hội chuyên khoa về ung thư đã ra khuyến cáo KHÔNG NÊN sử dụng chúng trong việc tầm soát ung thư.

Vì thế, việc “tự tiện” đo thêm các mục này trong gói tầm soát sức khỏe, tầm soát ung thư tại Việt Nam là lựa chọn KÉM THÔNG MINH (có người còn bảo là H.ạ.i n.g.ư.ờ.i!), mọi người cần tỉnh táo để không bị rơi vào vòng xoáy:

  • Quá sợ do Dương tính.
  • Chủ quan do Âm tính.

Thay vào đó, mình nghĩ rằng mọi người cần quan tâm hơn tới những phương pháp tầm soát ung thư tiêu chuẩn đã và đang được phổ cập tại nhiều nước tiên tiến (như Nhật, Hàn). Hiện nay, nhất là những phương pháp tốt mà người ta đang dùng ngân sách nhà nước trong cố gắng giảm nhẹ gánh nặng ung thư ở mức cộng đồng.

Tài liệu tham khảo

Đừng chết vì xét nghiệm máu tầm soát ung thư – TS. BS. Phạm Nguyên Quý

keyword

Từ khóa

prevBig

Quay lại

list list 1
Đã thích Thích