menu toggle
Y Học Cộng Đồng Tủ sách Bệnh truyền nhiễm theo mùa và phòng tránh nhờn thuốc kháng sinh [Ebook]

Bài viết cùng chủ đề

list list 0
Đã thích Thích

Bệnh truyền nhiễm theo mùa và phòng tránh nhờn thuốc kháng sinh [Ebook]

user
Biên dịch - Hiệu đính:
user
Ngày:

22/03/2023

user
Cập nhật:

23/03/2023

user
Lượt xem:

15

[signinlocker id=”11962″] [/signinlocker]

Giới thiệu Sổ tay thông tin

Các bệnh truyền nhiễm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta vào một thời điểm nào đó trong đời. Cách tốt nhất để kiểm soát bệnh truyền nhiễm là nâng cao nhận thức về chúng và biết cách ngăn chặn chúng. Chúng ta có thể sống khỏe mạnh nếu thực hiện tiêm chủng thích hợp và tuân thủ các quy tắc giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là khi chuẩn bị thức ăn và ăn uống. Chúng ta cũng cần thực thi một vài biện pháp phòng ngừa, bao gồm cả việc điều trị dự phòng khi cần thiết.

Tần suất phát sinh các bệnh truyền nhiễm thường khác nhau và có thể theo mùa. Trong mùa hè và mùa mưa, bệnh lây qua đường ăn uống như tiêu chảy, viêm gan siêu vi và thương hàn là phổ biến. Một số bệnh như sốt vi-rút (virus) và nhiễm trùng hô hấp cấp tính có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong năm hoặc do thay đổi thời tiết đột ngột.

Thuốc kháng sinh đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị một số bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đang mù quáng tin vào một truyền thuyết phổ biến rằng thuốc kháng sinh có thể chữa tất cả các bệnh. Điều này là không đúng. Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi và không hợp lý không chỉ có thể làm hại cho người bệnh mà còn tạo điều kiện để các chủng vi khuẩn nhờn thuốc kháng sinh xuất hiện. Bệnh liên quan đến các chủng vi khuẩn kháng thuốc này thường yêu cầu đặc trị bằng những loại thuốc đắt tiền trong thời gian dài, đi kèm với tỷ lệ thương tật và tử vong cao hơn.

Sổ tay thông tin này chứa một số lời khuyên hữu ích giúp bảo vệ bạn, gia đình và những người xung quanh. Việc phòng tránh kịp thời có thể giúp kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Việc sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý với thời gian và liều dùng theo chỉ định cũng không kém phần quan trọng trong việc duy trì tính hiệu quả của thuốc.

“Hiểu biết về các bệnh truyền nhiễm để không bị lây nhiễm”

Nhiễm khuẩn hô hấp (bao gồm viêm phổi) ở trẻ em

Bất kỳ tình trạng nhiễm khuẩn mới (cấp) nào ở mũi, họng, tai, thanh quản, khí quản hoặc phổi đều được gọi là nhiễm khuẩn hô hấp cấp (ARI: acute respiratory infection).

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp là nguyên nhân thường gặp dẫn đến ca bệnh nặng, đặc biệt ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp thay đổi từ ho và cảm lạnh nhẹ và có thể có hoặc không kèm sốt trong vài ngày, cho đến đau tai và thậm chí đến viêm phổi đe dọa tử vong. Một trẻ mắc viêm phổi thường có biểu hiện sau:

  • Sốt cao
  • Ho
  • Khó thở và thở nhanh

Trong một số trường hợp, khi trẻ hít vào, phía dưới lồng ngực lõm vào trong. Đây là dấu hiệu rút lõm lồng ngực, báo động viêm phổi nặng cần được điều trị cấp cứu ngay.

Xem thêm bài ” Viêm phổi 

Cách để bảo vệ bản thân bạn và trẻ

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước khi chăm sóc trẻ.
  • Tránh cho trẻ đến nơi đông người, các thành viên trong gia đình không làm ô nhiễm không khí hoặc hút thuốc lá trong nhà.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp và cho bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất sáu tháng đầu đời.
  • Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ sởi, ho gà để ngừa biến chứng viêm phổi do các bệnh này.
  • Đa phần các đợt ho hoặc do cảm lạnh chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và tự hết mà không cần điều trị thuốc.

Không tự ý điều trị kháng sinh cho trẻ.

  • Tiếp tục cho trẻ bú, khuyến khích trẻ ăn uống đầy đủ trong đợt bệnh.
  • Đưa trẻ đến khám nếu ho kéo dài trên 7 ngày hoặc có triệu chứng gợi ý viêm phổi.

Phòng tránh nhiễm khuẩn hô hấp cấp

Sốt Chikungunya

Bệnh sốt Chikungunya là bệnh lý do vi-rút gây ra và lan truyền do bị muỗi nhiễm mầm bệnh đốt. Loại muỗi này chỉ đốt vào ban ngày.

Bệnh biểu hiện tương tự như bệnh sốt xuất huyết với các đặc điểm sau: đau khớp (viêm khớp), thỉnh thoảng kéo dài kèm với sốt và thường có hồng ban.

Bệnh hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Các đợt dịch xuất hiện và biến mất có tính chất chu kỳ, thường cách 7-8 năm xuất hiện một lần.

Điều trị bao gồm giảm đau và hạ sốt với thuốc kháng viêm nhẹ (ví dụ như paracetamol) và nghỉ ngơi.

Thỉnh thoảng giai đoạn hồi phục có thể kéo dài. Tình trạng đau khớp kéo dài có thể cần các loại thuốc và các phương pháp trị liệu khác để giảm đau lâu dài. Nên tránh dùng aspirin, đặc biệt ở bệnh nhân dưới 18 tuổi.

Hiện nay chưa có vắc-xin (vaccine) ngừa bệnh sốt Chikungunya.

Các cách tự bảo vệ:

Tự bảo vệ bạn khỏi bị muỗi đốt bằng cách:

  • Mặc quần áo dài tay hoặc đầm dài che phủ hết tay chân.
  • Dùng nhang muỗi và máy đuổi muỗi vào ban ngày.
  • Dùng mùng chống muỗi, nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi.

Loại bỏ môi trường sinh trưởng của muỗi bằng cách:

  • Định kỳ dọn sạch nước tồn đọng trong thùng lạnh, bể thùng chứa nước,…
  • Thực hiện “các ngày làm khô”. Làm khô các thùng lạnh mỗi tuần 1
  • Loại bỏ tất cả các vật dụng không cần thiết hoặc rác vốn là nơi có  thể ứ đọng nước.

Kháng sinh không điều trị được bệnh sốt Chikungunya.

Nói KHÔNG với việc dùng kháng sinh để điều trị bệnh sốt Chikungunya.

Hãy giúp ngăn ngừa tình trạng đề kháng (nhờn) kháng sinh.

Phòng tránh sốt Chikungunya

Tiêu chảy (bao gồm bệnh tả)

Tiêu chảy là tình trạng đi tiêu phân lỏng hoặc nước nhiều lần. Nó có thể kèm với nôn ói và đau bụng. Tình trạng này thường do các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua nước và thức ăn đã bị nhiễm phân hoặc chất ói từ một người bệnh khác. Trong một số trường hợp, phân lỏng có thể lẫn cả máu.

Bệnh xảy ra trong vòng vài giờ cho đến 8 ngày sau khi sử dụng thức ăn nước uống nhiễm khuẩn. Đa số trường hợp là bệnh nhẹ tự khỏi, tuy nhiên, tiêu chảy kéo dài hoặc nặng có thể gây mất nước. Nếu không được bù dịch đúng và kịp thời, mất nước nặng có thể đưa đến tử vong. Nguy cơ mất nước ở trẻ em và người lớn tuổi cao hơn rõ rệt do hệ miễn dịch yếu.

Các bệnh lý như bệnh tả gây tiêu lỏng, mất nước nhanh (cấp tính) và có thể dẫn đến mất nước nặng.

Xem thêm bài ” Tiêu chảy và sự mất nước 

Các cách tự bảo vệ:

  • Sử dụng nước uống từ nguồn an toàn, nước đun sôi hoặc nước đã khử trùng bằng clo.
  • Ăn thức ăn đã được nấu chín.
  • Rửa sạch rau củ trước khi chế biến, tránh ăn trái cây cắt sẵn và không được che đậy bảo quản.
  • Đảm bảo xử lý rác và chất thải từ người hợp lý.
  • Luôn rửa tay sạch sẽ trước và sau khi ăn.
  • Ngăn ngừa mất nước bằng cách uống nhiều loại nước có chứa đường và muối chẳng hạn như:
    • Sữa chua có chứa muối.
    • Súp gà hay súp rau quả có chứa muối.
    • Nước cháo loãng có chứa muối.
    • Dung dịch oresol đang có trên thị trường (ORS).

Kháng sinh không điều trị được tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, kháng sinh có thể được chỉ định trong trường hợp tiêu chảy kèm theo máu trong phân.

Không tự ý sử dụng kháng sinh.

Hãy giúp ngăn ngừa tình trạng đề kháng kháng sinh.

Phòng tránh tiêu chảy

Sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh vi-rút cấp tính lây truyền do muỗi Aedes aegypti bị nhiễm mầm bệnh đốt. Muỗi này thường đốt vào ban ngày.

Loại muỗi này sinh sản trong các nơi chứa nước ngoài trời như thùng, lọ, chậu, xô, bình hoa, bể chứa nước, chai rỗng, vỏ bánh xe, thùng lạnh và những thứ tương tự như vậy.

Sốt xuất huyết Dengue biểu hiện sau 4-7 ngày kể từ khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Ở thể bệnh nhẹ, triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt cao
  • Đau sau hốc mắt
  • Nhức đầu
  • Nhức mỏi người, đau khớp

Ở thể nặng, bệnh thường dễ gây biến chứng và có các triệu chứng như sau:

  • Sốt cao, cảm giác bứt rứt
  • Đau bụng nhiều và liên tục
  • Chảy máu mũi, miệng và nướu
  • Xuất hiện vết bầm da
  • Tiêu phân đen
  • Da lạnh hoặc tái

Hiện nay chưa có vắc-xin để ngừa hoặc thuốc kháng vi-rút đặc hiệu để điều trị bệnh.

Các cách tự bảo vệ:

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi quanh chỗ bạn sống:

  • Dọn dẹp định kỳ nước chứa trong thùng lạnh, bể chứa (1 lần/ tuần).
  • Thực hiện “các ngày làm khô”. Làm khô các thùng nước trong 2-3 giờ, mỗi tuần một lần.
  • Loại bỏ các vật dụng thừa nơi có thể chứa nước.

Phòng muỗi đốt:

  • Mặc quần áo dài tay hoặc đầm dài che phủ hết tay chân.
  • Dùng nhang (hương) muỗi và máy đuổi muỗi vào ban ngày.
  • Dùng mùng (màn) chống muỗi, nhang muỗi, hoặc thuốc xịt muỗi.

Nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết Dengue, tránh dùng aspirin và ibuprofen.

  • Dùng acetaminophen để giảm sốt và giảm nhức mỏi.
  • Đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có biểu hiện chảy máu.

Xem thêm bài ” Bệnh sốt xuất huyết Dengue 

Kháng sinh không điều trị được sốt xuất huyết Dengue.

Nói KHÔNG với việc dùng kháng sinh để điều trị sốt xuất huyết Dengue.

Hãy giúp ngăn ngừa tình trạng nhờn kháng sinh!

Phòng tránh sốt xuất huyết Dengue

Viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một bệnh gây ra do vi-rút được lây truyền bởi loài muỗi sống ở các đồng lúa. Bệnh xảy ra chủ yếu ở nông thôn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn tới tử vong.

Những vật trung gian lan truyền bệnh viêm não Nhật Bản thường gặp nhất là các loài chim sống dưới nước và lợn bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những loài vật này lại thường không có biểu hiện bệnh.

Căn bệnh gây chết người này chủ yếu ảnh hưởng tới trẻ em, gây ra viêm não và màng não. Những trẻ sống sót khi mắc bệnh thường bị di chứng về thần kinh.

Bệnh có các biểu hiện đặc trưng sau:

  • Sốt cao đột ngột
  • Nhức đầu
  • Cổ cứng
  • Mất định hướng
  • Hôn mê
  • Co giật
  • Yếu liệt

Việc điều trị tích cực có thể giúp trẻ hồi phục hoàn toàn hoặc làm giảm các biến chứng về thần kinh.

Hiện đã có vắc-xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản.

Xem thêm bài ” Viêm não nhật bản 

Làm cách nào để bảo vệ bạn:

  • Ngăn ngừa muỗi đốt bằng thuốc diệt muỗi và ngủ mùng.
  • Những người đi du lịch đến vùng dịch tễ của viêm não Nhật Bản nên được chích ngừa.
  • Viêm não Nhật Bản là một bệnh lý cần điều trị khẩn cấp. Phải nhanh chóng đưa người bệnh có triệu chứng đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Không có thuốc kháng vi-rút đặc hiệu để điều trị bệnh.

Kháng sinh không điều trị được viêm não Nhật Bản.

Nói KHÔNG với kháng sinh khi bị viêm não Nhật Bản.

Hãy giúp ngăn ngừa tình trạng đề kháng (nhờn) kháng sinh.

Phòng tránh viêm não nhật bản

Sốt rét

Sốt rét gây ra bởi một loại kí sinh trùng lây truyền do muỗi mang mầm bệnh đốt. Có hai loại sốt rét chính là Falciparum và Vivax. Sốt rét do Falciparum là loại nguy hiểm hơn có thể tử vong. Sốt rét do Vivax thì thường nhẹ.

Triệu chứng của sốt rét bắt đầu xuất hiện từ 9-14 ngày sau khi bị muỗi đốt.

Các triệu chứng lâm sàng bao gồm:

  • Sốt cao
  • Nhức đầu
  • Lạnh run
  • Buồn nôn, nôn (ở những trường hợp nặng)

Không có vắc-xin ngừa sốt rét. Tuy nhiên, có thể sử dụng thuốc để điều trị bệnh. Hiện nay cũng có thuốc dự phòng sốt rét.

Xem thêm bài ” Bệnh Sốt rét 

Làm cách nào để bảo vệ bạn:

  • Dùng các tấm lưới kim loại để rào các cửa ra vào và cửa sổ.
  • Dùng màn chống muỗi (nhất là loại có tẩm thuốc diệt côn trùng)..
  • Xịt một ít thuốc diệt côn trùng trong nhà có thể làm giảm sự hiện diện của muỗi.
  • Thoa thuốc chống muỗi lên da.
  • Dùng nhang trừ muỗi hay máy đuổi muỗi.
  • Mặc áo dài tay, đầm dài hay quần dài vào buổi tối.
  • Những người đến vùng dịch tễ sốt rét nên được bảo vệ tối đa bằng cách uống thuốc dự phòng và dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt.
  • Uống thuốc dự phòng một tuần trước khi đến và ít nhất bốn tuần sau khi trở về từ vùng có dịch tễ sốt rét.
  • Nếu xuất hiện triệu chứng gợi ý mắc sốt rét, hãy đi khám bác sĩ ngay.

Uống thuốc điều trị sốt rét theo liều đã được kê và khuyến cáo.

Hãy giúp ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc trị sốt rét

Phòng tránh sốt rét

Sởi

Sởi là bệnh gây ra bởi vi-rút và thường gây bệnh nhẹ ở trẻ em. Sởi lây lan qua các giọt chất tiết bắn ra khi người bệnh ho hay hắt hơi và theo đường tiếp xúc gần với người bệnh.

Bệnh sởi thỉnh thoảng cũng rất nặng và thậm chí có thể gây tử vong. Những trẻ nhỏ chưa được chích ngừa sởi là đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Bệnh có biểu hiện đặc trưng gồm:

  • Sốt cao
  • Ho
  • Chảy nước mũi
  • Mặt đỏ, xuất tiết
  • Xuất hiện hồng ban, bắt đầu từ mặt, cổ

Bệnh có thể gây các biến chứng như sau:

  • Tiêu chảy nặng
  • Viêm phổi
  • Viêm não
  • Nhiễm vùng tai

Biến chứng có thể gây tử vong hoặc tàn tật.

Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa sởi.

Xem thêm bài ” Bệnh sởi 

Làm cách nào để bảo vệ trẻ:

  • Tất cả các trẻ nên được chích ngừa sởi khi đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai cách mũi đầu 3 tháng.
  • Trẻ em bị sởi nên uống nhiều nước và có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng.
  • Việc điều trị chủ yếu tập trung vào việc phát hiện sớm và điều trị các biến chứng.

Nếu nghi ngờ bội nhiễm vi khuẩn, kháng sinh cần được sử dụng theo hướng dẫn và khuyến cáo.

Hãy ngăn ngừa tình trạng đề kháng (nhờn) kháng sinh!

Phòng tránh sởi

Viêm màng não

Bệnh lây lan do tiếp xúc với giọt chất tiết bắn ra khi người bệnh ho hay hắt hơi. Thời gian từ lúc nhiễm bệnh cho tới khi phát bệnh khoảng từ 2 đến 10 ngày. Viêm màng não là tình trạng viêm lớp màng bảo vệ mỏng xung quanh não và tủy sống gây ra do vi-rút hay vi khuẩn. Viêm màng não vi-rút thường nhẹ và tự phục hồi.

Tuy nhiên, viêm màng não vi khuẩn thường có khả năng gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Triệu chứng bao gồm:

  • Sốt cao, nhức đầu và nôn ói dữ dội.
  • Cổ cứng.
  • Rối loạn tri giác, có thể rơi vào hôn mê.
  • Co giật.
  • Nổi hồng ban – những chấm đỏ nhỏ như đầu kim ở trên da.

Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị nhanh, sớm với thuốc kháng sinh phù hợp cũng như những điều trị hỗ trợ khác.

Xem thêm bài ” Viêm màng não 

Làm cách nào để bảo vệ bạn:

  • Tránh tiếp xúc với những bệnh nhân viêm màng não.
  • Nhờ bác sĩ tư vấn về việc điều trị dự phòng viêm màng não nếu
  • bạn có tiếp xúc với bệnh nhân viêm màng não hoặc một trong các thành viên của gia đình bạn được chẩn đoán viêm màng não.
  • Hiện đã có loại vắc-xin an toàn và hiệu quả phòng ngừa viêm màng não vi khuẩn.
  • Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng gây nghi ngờ là mắc viêm màng não.

Kháng sinh giúp cứu sống các trường hợp viêm màng não.

Sử dụng kháng sinh theo liều được kê và đủ số ngày khuyến cáo.

Hãy giúp ngăn ngừa tình trạng đề kháng (nhờn) kháng sinh!

Phòng tránh viêm não Nhật Bản

Bệnh dại

Bệnh dại ở người do vi-rút gây bệnh dại lây truyền qua vết cắn của động vật bị bệnh, thường là chó. Vi-rút được tìm thấy trong nước bọt của động vật bị mắc bệnh dại, nó có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xước hoặc vết cắt trên da hoặc niêm mạc miệng, cơ quan sinh dục ngoài hoặc hậu môn.

Sau một thời gian ủ bệnh dài từ 1 đến 6 tháng. Tuy vậy, nó có thể ngắn hơn hoặc dài hơn 7 năm để vi-rút có thể xâm nhập vào mô não, dẫn đến biểu hiện lâm sàng đến tình hình được gọi là “chứng sợ nước”.

Chứng sợ nước dẫn đến tình trạng co rút gây đau đớn kịch liệt của các cơ vùng hầu họng khi bệnh nhân cố gắng uống nước. Tình trạng co rút này cũng bị khởi phát bởi các kích thích khác như luồng gió mạnh, tiếng ồn, ánh sáng. Chứng sợ nước được báo trước bởi sự đau đớn, cảm giác kiến bò ở vị trí vết cắn, sốt, sự suy yếu và đau đầu.

Một khi chứng sợ nước xuất hiện thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong sau vài ngày. Điều trị bệnh dại chỉ là điều trị triệu chứng, nghĩa là làm giảm đau và những triệu chứng khác cho đến khi bệnh nhân chết. Bệnh nhân nên được nhập viện ngay lập tức để được chăm sóc.

Xem thêm bài ” Bị chó mèo cắn 

Làm thế nào để bảo vệ bạn và con bạn:

  • Biện pháp bảo vệ tốt nhất là tránh bị động vật cắn.
  • Hãy tránh xa những con chó bị nghi mắc bệnh nếu nó có một vài dấu hiệu như chảy nhiều nước dãi, dễ kích thích, thay đổi hành vi,…

Nếu bị cắn, vết thương nên được xử lý ngay lập tức và phải được bác sĩ tư vấn.

  • Rửa vết thương dưới vòi nước chảy và xà phòng.
  • Nếu không có xà phòng thì hãy rửa vết thương bằng thật nhiều nước.
  • Loại bỏ xà phòng và sử dụng bất cứ loại dung dịch nào chứa cồn.
  • Chủng ngừa bệnh dại sau khi đã bị cắn phải được tiến hành sớm nhất nếu có chỉ định. Nếu đã tiêm phòng và đang trong giai đoạn được bảo vệ, thì nên tiêm vắc-xin tăng cường.

Kháng sinh không đóng vai trò trong điều trị bệnh dại.

Nói KHÔNG với kháng sinh khi bị động vật cắn.

Giúp ngăn chặn tình trạng đề kháng thuốc kháng sinh!

Bảo vệ loài chó và những thú cưng khác của bạn khỏi bệnh dại.

Để phòng chống bệnh dại ở động vật hãy sử dụng vắc-xin. Hãy xin tư vấn của bác sĩ thú y.

Cúm (theo mùa)

Cúm là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính của đường hô hấp gây ra bởi một nhóm vi-rút.

Chúng ta có thể bị lây nhiễm do tiếp xúc với những giọt chất tiết từ đường hô hấp của bệnh nhân bị cúm khi bị ho hoặc hắt hơi. Cũng có thể bị lây nhiễm khi tiếp xúc vơi những giọt chất tiết chứa vi-rút dính trên những đồ vật như nắm đấm cửa và sau khi tiếp xúc với miệng hoặc mũi của người bệnh mà không rửa tay. Cúm thường xảy ra sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh khoảng 4 ngày.

Cúm có những triệu chứng sau:

  • Sốt, đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Ho
  • Đau họng
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau cơ

Cúm ở người lớn khỏe mạnh nhẹ, tự khỏi và không cần bất cứ điều trị nào ngoại trừ paracetamol để điều trị sốt. Cúm ở trẻ em hoặc người già, phụ nữ mang thai, những người mắc các bệnh mãn tính thì có thể dẫn đến viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Xem thêm bài ” Bệnh cúm 

Làm thế nào để phòng bệnh cúm:

  • Tránh tiếp xúc gần gũi với người đang bị bệnh cúm.
  • Rửa tay thường xuyên.
  • Che miệng với khăn giấy hoặc khăn tay khi ho hoặc hắt hơi.
  • Nếu bị cúm hãy nghỉ ngơi, uống nhiều nước và tránh tiếp xúc với người khác.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về việc điều trị, tránh việc tự điều trị.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ về vắc-xin phòng cúm nếu bạn trên 60 tuổi hoặc mắc các bệnh mãn tính.

Kháng sinh không có vai trò trong điều trị cúm mùa.

Hãy nói KHÔNG với kháng sinh trong trường hợp bị cúm.

Hãy ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Phòng tránh cúm theo mùa

Đại dịch cúm

Đại dịch cúm H1N1 2009 là bệnh cúm gây ra bởi một loại vi-rút mới được định danh vào tháng 4 năm 2009. Bệnh cúm này liệu có các triệu chứng tương tự như cúm mùa hoặc các bệnh cúm thông thường khác và nó có khả năng lây nhiễm cao. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng thường nhẹ và bệnh sẽ tự khỏi nhờ hệ thống miễn dịch của chính người bệnh mà không cần phải điều trị bằng thuốc.

Tuy nhiên, nếu triệu chứng ho và sốt nghiêm trọng hoặc kèm theo triệu chứng thở nhanh hoặc khó thở thì hãy báo cho bác sĩ biết ngay lập tức. Bệnh này có thể tiến triển nhanh chóng thành viêm phổi nặng và có thể gây ra tử vong.

Thuốc kháng vi-rút như Oseltamivir Taminful, uống trong 5 ngày, có thể phục hồi nhưng chỉ nên uống khi có chỉ định của bác sĩ.

Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn dưới 50 tuổi. Phụ nữ có thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, và những người có xu hướng mắc bệnh nặng hoặc đang có bệnh khác có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Những người lớn tuổi hơn thông thường đã có đề kháng với bệnh.

Làm thế nào để bảo vệ bạn và những người khác:

  • Tránh những nơi đông người trong thời gian xảy ra dịch bệnh.
  • Nếu bạn có các triệu chứng giống như bệnh cúm thì nên ở nhà.
  • Tránh tiếp gần gũi với những người khác, duy trì khoảng cách tối thiểu 1m.
  • Uống thật nhiều nước và nghỉ ngơi thật tốt.
  • Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy báo cáo với bác sĩ ngay lập tức.
  • Che miệng của bạn khi ho hay hắt hơi bằng tay, tay áo hoặc khăn giấy …
  • Đảm bảo thông khí trong nhà thông thoáng.
  • Nên tiêm phòng vắc-xin nếu có.

Những bệnh nhân có nguy cơ cao nên sử dụng thuốc kháng vi-rút.

Sử dụng thuốc đúng liều và đúng số ngày được khuyến cáo.

Hãy ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Phòng tránh đại dịch cúm

Sốt thương hàn

Sốt thương hàn là tình trạng nhiễm trùng của đường tiêu hóa và dòng máu trong cơ thể. Sốt thương hàn có thể bị lây nhiễm do ăn các thức ăn hoặc uống đồ uống được chế biến bởi tay của những người bị nhiễm bệnh. Bệnh cũng có thể xảy ra do uống nước bị nhiễm bẩn.

Bệnh sẽ xảy ra sau khi tiếp xúc với nguồn lây từ 1 đến 3 tuần.

Các triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng bao gồm

  • Sốt cao
  • Hôn mê và li bì
  • Chán ăn
  • Đau đầu
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Ban đỏ (đào ban) ở vùng ngực

Sau hồi phục thì bệnh có thể tái phát trong một số trường hợp, khi mà vi khuẩn vẫn còn sống sót trong túi mật và trong ruột. Những trường hợp như vậy được gọi là người lành mang bệnh, những người này sẽ là nguồn lây cho những người khác và cần được điều trị với kháng sinh.

Hiện đã có vắc-xin phòng bệnh thương hàn.

Xem thêm bài ” Thương hàn 

Làm thế nào đề phòng bệnh và bảo vệ bạn:

  • Uống nước từ nguồn gốc an toàn, hoặc nước đã đun sôi hoặc khử trùng bằng Clo.
  • Rửa tay trước và sau khi ăn.
  • Ăn các thức ăn sau khi đã được nấu chín.
  • Xử lý thích hợp các chất thải và chất tiết của người.
  • Tư vấn các bác sĩ về tiêm phòng vắc-xin dự phòng bệnh sốt thương hàn.
  • Nếu có biểu hiện triệu chứng bệnh, cần đi khám bác sĩ.

Kháng sinh được dùng để điều trị bệnh sốt thương hàn.

Hãy dùng kháng sinh đúng liều lượng và đúng số ngày được chỉ định.

Hãy ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Phòng tránh sốt thương hàn

Sốt vi-rút

Thời tiết thay đổi thường đi kèm với sự xuất hiện những đợt sốt nhẹ. Những đợt sốt này có thể không định danh được loại vi-rút đặc hiệu nào và thường gọi chung là sốt vi-rút.

Sốt vi-rút thường sốt nhẹ, tự hết và hiếm khi sốt cao.

Sốt vi-rút có biểu hiện:

  • Sốt nhẹ đến vừa
  • Đau nhức toàn thân
  • Mệt mỏi
  • Ho khan và nôn ói, đặc biệt ở trẻ nhỏ.

Thông thường sốt vi-rút không gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Không có vắc-xin hay thuốc kháng vi-rút đặc hiệu để dự phòng hay điều trị sốt vi-rút.

Làm thế nào để tự bảo vệ:

  • Uống nhiều nước và chế độ ăn nhiều dinh dưỡng.
  • Tránh tiếp xúc quá gần với bệnh nhân sốt vi-rút.
  • Tránh tụ tập nơi đông người.
  • Rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chất tiết bệnh nhân.
  • Nếu ban đang sốt vi-rút hãy nghỉ ngơi tại nhà khi bệnh để tránh lây cho người khác.
  • Tránh sử dụng aspirin hay ibuprofen, đặc biệt đối với trẻ dưới 18 tuổi.
  • Nên dùng paracetamol do tính an toàn cao.

Hãy nhờ bác sĩ tư vấn để có được sự điều trị hợp lý.

Kháng sinh không có khả năng điều trị sốt vi-rút.

Nói KHÔNG với kháng sinh trong sốt vi-rút.

Giúp dự phòng trường hợp kháng với kháng sinh.

Phòng tránh sốt vi rút

Viêm gan siêu vi (lây qua đường tiêu hóa)

Viêm gan- tổn thương viêm gan ở gan bởi nhiều loại vi-rút ký hiệu A, B, C, D, E, … Biểu hiện chủ yếu của bệnh là vàng da và mắt, ngoài ra còn tức bụng, mất cảm giác ăn ngon, tiểu sậm màu và phân bạc màu.

Viêm gan A và E nhiễm từ thức ăn hoặc nước uống có chứa vi- rút từ chất thải của bệnh nhân viêm gan. Bệnh biểu hiện trong 2-8 tuần sau khi ăn thức ăn hay uống nước nhiễm vi-rút và thường tự hết không có biến chứng, ngoại trừ phụ nữ mang thai. Viêm gan E thường gây các đợt bộc phát vàng da ở cộng đồng.

Hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa cho viêm gan A nhưng không có vắc-xin cho viêm gan E.

Không có thuốc điều trị đặc hiệu viêm gan A hay E.

Xem thêm bài ” Viêm gan siêu vi A và vaccine 

” Viêm gan siêu vi B và vaccine 

Làm cách nào tự bảo vệ:

  • Uống nước từ nguồn an toàn hoặc đun sôi hay nước đã khử với Clo.
  • Ăn thức ăn đã nấu chín.
  • Đảm bảo việc xử lý chất thải và chất tiết hợp lý.
  • Luôn rửa tay sạch trước và sau khi ăn.
  • Hãy đến bác sĩ để được tư vấn về sử dụng vắc-xin viêm gan A.
  • Phụ nữ mang thai cần uống nước sạch an toàn để phòng viêm gan E. Viêm gan E có thể xảy ra ở thể nặng hoặc toàn phát trong thai kỳ.
  • Tránh tự ý điều trị kháng sinh.

Kháng sinh không thể điều trị viêm gan A và E.

Nói KHÔNG với kháng sinh trong điều trị viêm gan.

Giúp dự phòng đề kháng với kháng sinh.

Phòng tránh viêm gan siêu vi

Cách rửa tay sạch

Cách rửa tay sạch 1 - Xoa xà phòng và chà lòng bàn tay

Cách rửa tay sạch 2 - Chùi sạch mu bài tay

Cách rửa tay sạch 3 - Chùi từng ngón tay và mu bàn tay

Cách rửa tay 4 - Chùi sạch dưới móng tay và rửa tay dưới dòng nước chảy

Cách rửa tay sạch 5 - Lau khô tay với khăn sạch

RỬA TAY SẼ PHÒNG TRÁNH BỆNH

Cúm – Gửi thông điệp Cứu người

  • KHÔNG Bắt tay hay ôm hôn
  • KHÔNG Khạc nhổ nơi công cộng
  • KHÔNG Tự ý dùng thuốc không có bác sĩ tư vấn

Nếu bạn ốm, HÃY

  • Che miệng/mũi khi ho, hắt hơi
  • Ở nhà và tránh tiếp xúc
  • Nghỉ ngơi và uống nước
  • Nghe tư vấn của bác sĩ
prevBig

Quay lại

list list 0
Đã thích Thích